Huyện biên giới Ia H'Drai tăng cường quản lý, phát triển rừng

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) luôn xác định, công tác quản lý và phát triển rừng là một trong những nội dung quan trọng của địa phương. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, việc phát triển rừng trên địa bàn huyện Ia H'Drai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Lãnh đạo huyện Ia H’Drai trồng cây tại buổi phát động công tác trồng rừng.

Lãnh đạo huyện Ia H’Drai trồng cây tại buổi phát động công tác trồng rừng.

Huyện Ia H’Drai có tổng diện tích tự nhiên hơn 98.000 ha, trong đó, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 95.000 ha, diện tích có rừng là 85.380 ha. Độ che phủ rừng của huyện tính đến ngày 31/12/2023 đạt 87,11%. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum giao chỉ tiêu trồng 1.400 ha rừng, 200 nghìn cây phân tán.

Vượt khó trồng rừng

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ia H’Drai lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan để chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan triển khai công tác trồng rừng bảo đảm chỉ tiêu được ủy ban nhân dân tỉnh giao trong từng năm và cả giai đoạn 2021-2025.

Với đặc thù địa bàn vùng biên, công tác quản lý và phát triển rừng trên địa bàn huyện Ia H’ Drai vẫn còn những khó khăn nhất định. Qua rà soát, diện tích đất trên địa bàn huyện đủ điều kiện để thực hiện dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất tập trung còn ít, nhỏ lẻ. Một số diện tích đất đủ điều kiện hỗ trợ thì lại có địa hình hiểm trở, đồi đá, dốc đứng, phân bố manh mún, chưa có đường giao thông đi lại. Ngoài ra, một số hộ gia đình vẫn chưa mặn mà với công tác trồng rừng. Họ chưa nhận thức được việc chuyển đổi các giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất tập trung là hướng đi phù hợp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, nên chưa mạnh dạn đầu tư trồng rừng.

Để giải quyết những khó khăn trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Ia H’Drai đã tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng. Huyện thường xuyên cắt cử đảng viên, cán bộ, lưc lượng chức năng trực tiếp đến các khu dân cư tuyên truyền để người dân nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia trồng rừng.

Bên cạnh đó, huyện tăng cường phối hợp, kiểm tra giữa cơ quan chức năng với chính quyền địa phương trong việc lập dự án trồng rừng tập trung; lên kế hoạch từ khâu rà soát lựa chọn diện tích đưa vào trồng rừng đến khâu lập dự án, triển khai trồng rừng ngoài thực địa. Đồng thời, các đơn vị sát sao, hướng dẫn và kiểm tra việc chăm sóc diện tích rừng sau khi trồng để bảo đảm kế hoạch đề ra, mang lại hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Nhà nước và người dân tham gia trồng rừng.

Địa điểm trồng rừng tập trung được huyện Ia H’Drai triển khai thực hiện trên các diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu và một số vùng hoặc khu vực có rừng nhưng đã nghèo kiệt, khả năng phục hồi thấp hay một số diện tích đất khác có diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên. Cây phân tán được bố trí trồng dọc hành lang các tuyến giao thông như: Quốc lộ 14C (đoạn qua huyện), đường tỉnh, đường liên xã, đường nội thôn; khuôn viên các đồn biên phòng, doanh trại quân đội, công an, các trường học, các điểm du lịch và dọc tuyến đường tuần tra biên giới,... Huyện chú trọng lựa chọn những giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như: hương, trắc, cẩm lai, bằng lăng, bò ma, gáo vàng, xoan,… để nâng cao tỷ lệ sống, bảo đảm khả năng phát triển của cây trồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai Võ Anh Tuấn cho biết: Thời gian qua, huyện thường xuyên chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trồng rừng và trồng cây phân tán. Hằng năm, huyện luôn hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được giao trong phát triển rừng. Sau 3 vụ trồng rừng, toàn huyện đã trồng được 957,2 ha rừng tập trung (đạt 68,3% chỉ tiêu giai đoạn) và 143.963 cây phân tán (đạt 72% chỉ tiêu giai đoạn).

Theo số liệu thống kê, năm 2021, huyện Ia H’Drai trồng được 166,1 ha rừng và 45.770 cây phân tán; năm 2022 trồng được 404,8 ha rừng và 52.262 cây phân tán; năm 2023 trồng được 386,3 ha rừng và 45.931 cây phân tán; năm 2024 trồng 420 ha rừng và 40.000 cây phân tán (hiện vẫn đang tiếp tục được triển khai).

Nỗ lực quản lý, phát triển rừng

Song song với việc triển khai trồng rừng và cây phân tán, công tác chăm sóc, bảo vệ sau khi trồng cây cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân, nhằm nâng cao tỷ lệ cây sống sau khi trồng từ 85-95%. Riêng trong năm 2023, việc trồng rừng tập trung trên diện tích 386,3 ha của huyện có tỷ lệ sống trên 95%.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia H’Drai Đặng Chí Bảo cho biết, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương của huyện, theo chức năng nhiệm vụ, đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các công ty, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, trồng cây phân tán; kêu gọi, huy động nguồn lực từ xã hội hóa, kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án tài trợ, dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật để thực hiện kế hoạch trồng rừng và trồng cây phân tán hằng năm.

Trong đó, có thể kể đến sự đóng góp lớn của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Duy Tân cũng như các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn và các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong việc hỗ trợ giống cây trồng, xe vận chuyển, công lao động phát quang, dọn dẹp thực bì và trồng rừng,… Trong tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn sau 3 năm triển khai là 957,2 ha, thì đã có 835,9 ha rừng được trồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Riêng trong năm 2023, toàn bộ nguồn vốn trồng rừng trên địa bàn được sử dụng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Thời gian tới, huyện Ia H’Drai tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia trồng rừng bằng nhiều hình thức.

Huyện cũng sẽ thường xuyên chỉ đạo tăng cường sự phối hợp, kiểm tra giữa cơ quan chức năng với chính quyền địa phương trong việc lập dự án trồng rừng tập trung từ khâu rà soát lựa chọn diện tích đưa vào kế hoạch trồng rừng đến khâu lập dự án, triển khai trồng rừng ngoài thực địa, hướng dẫn và kiểm tra việc chăm sóc diện tích rừng sau khi trồng để bảo đảm kế hoạch đề ra, mang lại hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Nhà nước và người dân tham gia trồng rừng; thường xuyên kiểm tra, giám sát trách nhiệm của ủy ban nhân dân các xã và các đơn vị chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện tốt công tác trồng dặm, chăm sóc đối với diện tích rừng đã trồng từ năm 2021 đến nay.

Đồng chí Võ Anh Tuấn chia sẻ: Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chủ động, đồng lòng của nhân dân, đến nay địa phương đã hoàn thành công tác trồng rừng theo đúng kế hoạch, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ rừng của huyện. Mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, huyện Ia H’Drai phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu về quản lý, phát triển rừng mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/huyen-bien-gioi-ia-h-drai-tang-cuong-quan-ly-phat-trien-rung-229606.html