Huyện Cai Lậy: Chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú

Đảm bảo sức khỏe cho trẻ mỗi ngày đến trường, chất lượng bữa ăn bán trú được các trường mầm non trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm. Những bữa ăn an toàn, dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho trẻ học tập, vui chơi, phát triển toàn diện về thể chất.

Năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Tam Bình đón nhận 350 trẻ, gần 80% trẻ học bán trú. Tổ chức bữa ăn chất lượng, an toàn, dinh dưỡng cho trẻ, nhà trường phân công người tiếp quản thực phẩm, kiểm tra chất lượng, định lượng thực phẩm tươi sống, giám sát khâu sơ chế, chế biến thức ăn, chia suất ăn cho trẻ, lưu mẫu thực phẩm.

Bếp ăn được thiết kế theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt, gồm: Khu chế biến thực phẩm tươi sống, nấu ăn, để thức ăn chín, khu xử lý chất thải; thiết bị, đồ dùng nhà bếp, tủ lưu mẫu thực phẩm... được trang bị đầy đủ. Nhà trường cũng tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm đến phụ huynh, cùng phối hợp, gắn kết trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Trẻ ăn trưa tại Trường Mầm non Tam Bình.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, nhân viên cấp dưỡng của Trường Mầm non Tam Bình cho biết: “Thực đơn của trẻ được thay đổi hằng ngày, hằng tuần, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Các nhân viên cấp dưỡng đều tuân thủ những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chọn thực phẩm đến chế biến, bảo quản thực phẩm, vệ sinh, sắp xếp dụng cụ nhà bếp sạch sẽ, ngăn nắp, đảm bảo sức khỏe cho trẻ”.

Đến Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ (ấp 5, xã Phú An) khi nhân viên cấp dưỡng và giáo viên nhà trường đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ. Thực đơn gồm cơm trộn rong biển, gà chiên bột, súp rau củ, rau củ luộc và tráng miệng với dưa hấu. Mỗi ngày, trường phục vụ 240 suất ăn cho trẻ bán trú. Bữa ăn vui vẻ, đầy đủ chất dinh dưỡng được nhà trường chú trọng, giúp trẻ đủ năng lượng cho một ngày học tập và vui chơi. Giờ ăn được tổ chức theo hình thức bữa ăn gia đình, bữa ăn tự chọn, tạo không khí vui vẻ để trẻ ăn ngon miệng, ăn hết suất ăn và hình thành kỹ năng tự phục vụ bản thân.

"Bắt đầu bữa ăn, cô giáo sẽ giới thiệu thực đơn để trẻ nhận biết các món ăn khác nhau, nhắc trẻ giữ trật tự trong khi ăn, không đùa nghịch, nói chuyện to, không làm rơi vãi, tự giác ăn hết khẩu phần. Mỗi bữa ăn tại trường trước hết phải đảm bảo sự đa dạng, phong phú, cân bằng dinh dưỡng, hương vị, cách chế biến phù hợp với trẻ nhỏ. Các cô giáo cũng sáng tạo trong cách trang trí món ăn hấp dẫn, đẹp mắt, sắp xếp bàn ăn một cách khoa học, mới lạ để gây sự chú ý và kích thích trẻ ăn ngon miệng và vui vẻ hơn", cô Trần Thị Cẩm Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ cho biết.

Những năm qua, việc nâng cao chất lượng bếp ăn bán trú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Cai Lậy đặc biệt quan tâm. Toàn huyện hiện có 17 trường mầm non công lập và tư thục, đón nhận hơn 4.300 trẻ trong năm học 2023 - 2024, trong đó có khoảng 83% trẻ học bán trú. Xác định chất lượng bữa ăn đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc trẻ bậc học mầm non, các trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho bếp ăn, tập huấn, cập nhật kiến về an toàn thực phẩm cho giáo viên, nhân viên cấp dưỡng, xây dựng thực đơn hằng ngày, hằng tuần cung cấp đầy đủ, cân đối các nhóm chất dinh dưỡng theo độ tuổi.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cai Lậy cũng chỉ đạo các trường nghiêm túc thực hiện việc ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm, kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng, tuân thủ quy trình chế biến thức ăn, lưu mẫu thực phẩm, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

TRƯỜNG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202402/huyen-cai-lay-chu-trong-nang-cao-chat-luong-bua-an-ban-tru-1004034/