Huyện Cẩm Thủy: Nhiều giải pháp tạo việc làm mới cho người lao động

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Thủy, năm 2019 toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho trên 4.000 lao động.

Nhiều nhà máy, công ty may trên địa bàn huyện Cẩm Thủy tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Phát huy những kết quả đạt được, ngay từ đầu năm 2020, huyện Cẩm Thủy đã triển khai nhiều giải pháp về lao động, việc làm, tạo mọi điều kiện để người dân phát triển các mô hình sản xuất, có việc làm tại các khu công nghiệp trong tỉnh, trong nước và làm việc ở nước ngoài, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT), hàng năm huyện Cẩm Thủy đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; đấu mối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh về nhu cầu sử dụng lao động... Trên cơ sở đó đã thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ). Vì vậy, tính đến hết năm 2019, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt 60,5%. Để người dân có thể nắm bắt kịp thời các thông tin về tuyển dụng lao động, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và trong nước tuyển dụng lao động đi làm việc. Ở trung tâm các xã, thị trấn đều có bảng thông tin về tuyển sinh học nghề, tuyển dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi để LĐNT tìm kiếm cơ hội việc làm.

Là một trong những đơn vị tham gia đào tạo nghề cho LĐNT, hàng năm Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Cẩm Thủy đã mở được 3 lớp đào tạo nghề cho khoảng 105 lao động trên địa bàn, tập trung vào các nghề may công nghiệp và trồng nấm rơm. Có được kết quả trên, trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động, nhất là thanh niên đăng ký tham gia học nghề. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp điện tử, điện lạnh, công ty xây lắp máy, may mặc có uy tín trong và ngoài tỉnh để thực hiện tuyển dụng lao động sau đào tạo. Hầu hết các lao động sau khi đào tạo nghề đều được nhận vào các doanh nghiệp do trung tâm đấu mối. Đối với lao động học nghề hàn có mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng; lao động nghề may có mức thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện nay còn có các nhà máy may công nghiệp, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương như: Nhà máy may của Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm (Chi nhánh Cẩm Thủy) thu hút 2.000 lao động, trong đó có 800 lao động địa phương đang làm việc; Công ty TNHH Vàng mã Duyệt Cường tạo việc làm cho 200 lao động; nhà máy may của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ngọc Ninh đặt tại xã Cẩm Bình, có 1.000 lao động địa phương làm việc...

Song song với các hoạt động trên, nhận thức rõ vai trò của XKLĐ đối với công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập, huyện Cẩm Thủy đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn để có những giải pháp cụ thể tuyên truyền, định hướng, khuyến khích người dân tham gia XKLĐ. Đồng thời thành lập ban chỉ đạo công tác XKLĐ, phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo dõi, đôn đốc các địa phương điều tra, rà soát, lập danh sách dự báo nguồn lao động và số lao động có nhu cầu đi XKLĐ để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ và đào tạo nghề. Đặc biệt, ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở luôn chú trọng việc lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín về địa phương tư vấn, tuyển dụng lao động... Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã đưa được hơn 2.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhiều lao động sau khi về nước có tiền xây nhà khang trang, mua sắm nhiều vật dụng có giá trị; nhiều hộ đã đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm khác cho lao động địa phương. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ, coi đây là một trong những giải pháp then chốt để giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân.

Ông Nguyễn Hải Sâm, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, căn cứ kế hoạch lao động, việc làm hàng năm của UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về lao động việc làm, an toàn vệ sinh lao động; phối hợp với các xã, thị trấn triển khai chương trình lao động, việc làm và dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020, gắn với việc xây dựng kế hoạch sử dụng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Đồng thời, chú trọng chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng từ nông, lâm nghiệp sang các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ, nhất là các xã thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020... Tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn huyện, công tác tuyển sinh đã ngày càng gắn với nhu cầu xã hội. Nhiều ngành nghề có tỷ lệ xin được việc làm sau đào tạo khá cao, phù hợp với thực tế địa phương đã thu hút nhiều LĐNT theo học.

Với các giải pháp đồng bộ được triển khai, chắc chắn đến hết năm 2020, toàn huyện sẽ hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm mới cho trên 8.000 lao động. Từ đó góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đưa Cẩm Thủy trở thành huyện khá trong các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/huyen-cam-thuy-nhieu-giai-phap-tao-viec-lam-moi-cho-nguoi-lao-dong/124409.htm