Huyện Cần Giờ, TP.HCM: Dân 'tố' điều tra viên 'hướng dẫn' sửa lời khai, gây nợ nần tiền tỷ
Bà Sưa được hướng dẫn rằng muốn lấy lại tiền nợ, phải chia nhỏ số tiền ra bằng cách nhờ nhiều người đứng tên. Thế nhưng, hậu quả là hiện tại tiền nợ bà Sưa chưa lấy được, trong khi người đứng tên lại kiện ngược lại đòi tiền từ bà.
Theo đơn phản ánh bà Nguyễn Thị Sưa (ngụ xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM), giữa tháng 9/2016,bà Sưa cho bà Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ 353, ấp Bình An, xã Bình Khánh, huyện Cần giờ, TP.HCM) mượn tiền để thực hiện việc đáo hạn ngân hàng. Hai bên thực hiện trôi chảy, mượn trả đúng hạn.
Như thường lệ, ngày 28/11/2016, bà Kim Anh mượn 1,7 tỷ đồng và ngày 30/11/2016 mượn thêm 850 triệu đồng, tổng nợ là 2,55 tỷ đồng. Tuy nhiên, tối ngày 1/12/2016, bà Lê Thị Ngọc Loan (con của bà Kim Anh - PV) điện thoại cho chủ nợ: “Dì Sưa ơi, mẹ con bể nợ rồi! Dì xuống nhà con bàn bạc giải quyết”.
Sau nhiều lần đối thoại không thành, bà Sưa nhờ ông Nguyễn Quang Niệm (ngụ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM) làm đại diện viết đơn tới Công an huyện Cần Giờ, tố cáo bà Kim Anh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Sưa.
Cùng thời gian đó, bà Đặng Thị Kim Loan (ngụ cùng xã với bà Sưa) cũng làm đơn tới Công an huyện Cần Giờ, tố cáo bà Kim Anh lừa đảo chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng của mình. Như vậy, cùng lúc bà Nguyễn Thị Kim Anh tuyên bố vỡ nợ 5,05 tỷ đồng.
Theo đơn phản ánh, sau khi nhận đơn, ngày 22/01/2017, Điều tra viên Phạm Hồng Hà mời bà Sưa đến trụ sở Công an huyện Cần Giờ viết Bản tường trình. Trong Bản tường trình lần đầu (có dấu mộc của cơ quan CSĐT - PV) bà Sưa viết, tổng số tiền hai lần đưa cho bà Kim Anh 2,55 tỷ đồng, có nội dung khẳng định là “tiền của bà Sưa”.
Bà Sưa trình bày: “Sau vài ngày viết Bản tường trình, ông Hà gọi điện kêu tôi đến, nói rằng muốn lấy lại phải chia nhỏ số tiền ra bằng cách nhờ nhiều người đứng tên, làm vậy để dễ thu hồi. Mặt khác, khai như thế né việc tôi là viên chức, làm gì có số tiền lớn để cho vay…”.
Cũng theo nội dung đơn phản ánh, tại buổi làm việc lần hai, ông Hà hướng dẫn bà Sưa ghi lại toàn bộ nội dung lời khai lần trước, nhưng phần cuối thêm vào, số tiền trên bà Sưa huy động của chị ruột là bà Nguyễn Thị Lệ 1,7 tỷ đồng và của ông Nguyễn Phước Leo 850 triệu đồng. Đồng thời ông Hà bảo bà Sưa ký lùi vào ngày 04/1/2017(lần đầu ký ngày 22/1/2017 - PV).
Đơn phản ánh cho biết, ông Leo là người quen của Điều tra viên Phạm Hồng Hà giới thiệu. Lúc đầu, bà Sưa không đồng ý vì ông Leo là dân cờ bạc, vừa mới ra tù. Ông Hà bảo “không sao đâu… tôi đã bắt nó nhiều lần rồi, nó không dám làm xằng bậy đâu”. Nghe vậy bà Sưa đồng ý, làm theo hướng dẫn của ông Hà, nhờ ông Leo đứng tên hộ 850 triệu đồng.
Ngày 11/4/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cần Giờ ban hành thông báo không khởi tố vụ án hình sự đối với đơn tố cáo của bà Sưa và bà Loan. Đơn vị này yêu cầu bà Sưa và bà Loan đến TAND khởi kiện dân sự vì vụ việc này không có dấu hiệu tội phạm (!?).
Theo bà Sưa, hiện tại số tiền bà Kim Anh nợ bà Sưa và bà Loan vẫn chưa trả. Nhưng hậu quả việc nhờ người đứng tên thì hết sức nghiêm trọng. Bởi, ông Leo dựa vào lời khai tại trụ sở Công an để làm bằng chứng kiện đòi 850 triệu từ bà Sưa.
Phóng viên có dịp trao đổi với bà Nguyễn Thị Lệ (chị ruột bà Sưa), người đứng giúp 1,7 tỷ đồng trong đơn tố cáo bà Kim Anh lừa đảo lần 2. Bà Lệ cho biết, lúc đầu bà Sưa nhờ bà Lệ đứng tên 850 triệu đồng, ông Leo 1,7 tỷ đồng. Bà Lệ sợ nguy hiểm cho em mình nên yêu cầu ông Hà để bà đứng 1,7 tỷ đồng. Mọi việc đều làm theo hướng dẫn ông Hà, vậy mà sau này ông Leo lật lọng, kiện bà Sưa đòi 850 triệu đồng.
Tiếp xúc với người cùng làm đơn tố bà Kim Anh lừa đảo, bà Đặng Thị Kim Loan cho biết: Bà cũng được Điều tra viên Phạm Hồng Hà hướng dẫn ghi lời khai. Ông Hà kêu chia nhỏ số tiền ra bằng cách mượn nhiều người đứng tên. Cũng may bà Loan nhờ anh chị em trong nhà, không giống như bà Sưa bị ông Leo kiện đòi oan uổng.
Để thông tin khách quan, PV đã tiếp xúc với một số nhân chứng khác.Ông Nguyễn Quang Niệm cho biết, thời gian này ông Niệm công tác tại TAND huyện Nhà Bè, có hướng dẫn bà Sưa làm đơn tố cáo bà Kim Anh lừa gạt tiền. Sau khi gửi đơn, ông Hà mời bà Sưa đến lấy lời khai. Vài ngày sau ông Hà mời bà Sưa lần nữa, hướng dẫn chia nhỏ số tiền ra, nói rằng làm vậy sẽ dễ đòi.
Ông Niệm được bà Sưa nhờ viết lại đơn lần hai. Lần này ghi thêm nội dung bà Sưa nhờ hai người đứng tên nguồn tiền cho bà Kim Anh mượn. Sau đó ông Niệm chở bà Sưa tới Công an huyện Cần Giờ gặp Điều tra viên Phạm Hồng Hà để viết lời khai lần hai. Chính vì thế, ông Niệm khẳng định bà Sưa không mượn tiền ông Leo, chỉ nhờ đứng tên trong đơn tố cáo bà Kim Anh mà thôi.
Như vậy, tính đến nay số tiền 2,55 tỷ đồng của bà Sưa cho bà Kim Anh mượn vẫn chưa đòi được. Nhưng việc ông Nguyễn Phước Leo kiện đòi 850 triệu đồng thì bà Sưa phải trả. Bà Sưa bức xúc: “Ông Hà là người hướng dẫn tôi sửa lời khai, giới thiệu ông Leo đứng tên hộ, vậy mà khi ra Tòa không làm chứng cho tôi… để tôi mang nợ oan ức như vậy. Hiện tại tôi đang làm đơn gửi Thanh tra Bộ Công an, yêu cầu giải oan cho tôi!”.
Ngày 16/5/2022, PV đến trụ sở Công an huyện Cần Giờ tìm hiểu thêm thông tin theo đơn phản ánh của bà Sưa. Điều tra viên Đoàn Thanh Nhã - Công an huyện Cần Giờ yêu cầu để lại câu hỏi vì lãnh đạo đi vắng, sẽ trả lời sau, nhưng đến nay đã gần hai tháng mà chưa thấy hồi âm. Mỗi lần phóng viên liên hệ đều được ông Nhã hứa “đang đợi lãnh đạo ký, sẽ gửi ngay…” (?).