Huyện Cao Phong: Chủ động cảnh báo, sẵn sàng ứng phó trong mùa mưa bão

Cao Phong là huyện thường xuyên phải đối mặt với mưa, lũ, lốc xoáy, mưa đá. Trước mùa mưa bão năm nay, để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, huyện chủ động cảnh báo, lập phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả.

Trên địa bàn huyện Cao Phong còn nhiều điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão. Ảnh chụp tại xã Thu Phong.

Trên địa bàn huyện Cao Phong còn nhiều điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão. Ảnh chụp tại xã Thu Phong.

Năm 2020, thiên tai gây thiệt hại lớn cho người dân huyện Cao Phong làm 2 người chết, 1 người bị thương nặng tại xóm Bưng 1, xã Thu Phong. 63 nhà bị tốc mái, 63 nhà đổ sập. Thiệt hại về nông, lâm nghiệp khoảng 483 ha cây ăn quả, cây rau, màu các loại… Ước thiệt hại trên 6,8 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, huyện đã có giải pháp khắc phục kịp thời để ổn định đời sống cho người dân.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngay từ đầu năm, các địa phương đã chủ động kiểm tra, rà soát những điểm xung yếu, nơi tiềm ẩn nguy cơ, các công trình xây dựng đê điều để lên phương án ứng phó. Đối với những điểm dân cư có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập úng xây dựng phương án di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, phát huy tối đa phương châm "4 tại chỗ”, cụ thể: Kiện toàn Ban Chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên trong BCH PCTT& TKCN các cấp để đảm bảo việc sẵn sàng công tác chỉ đạo, chỉ huy, từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết được chủ động, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bên cạnh đó, huyện tổ chức diễn tập, báo động thử tại các điểm trọng yếu. Mỗi xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị thành lập một đội xung kích để cứu hộ khi có sự cố ở đơn vị mình và sẵn sàng hỗ trợ cho đơn vị bạn khi cần thiết. Mỗi xã, thị trấn thành lập 1 trung đội; mỗi cơ quan, đơn vị thành lập 1 trung đội hoặc 1 tiểu đội. Chuẩn bị sẵn sàng xe con và xe tải của các cơ quan, đơn vị, nếu cần thiết huy động tất cả các phương tiện trên địa bàn. Sử dụng nhà bạt, rọ thép, phao cứu sinh đã được BCH PCTT&TKCN tỉnh cấp để phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Trang bị áo phao, ủng, áo đi mưa, đèn pin, mũ cối cho các thành viên BCH PCTT&TKCN.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền qua trang facebook "Phongchong thientaihuyencaophong”; đài phát thanh của các xã, thị trấn. Chị Bùi Thị Hương, xóm Bưng 1, xã Thu Phong vẫn còn ám ảnh về trận dông lốc lịch sử đầu tháng 6/2020 đã cướp đi sinh mạng của 2 người hàng xóm. Chị Hương chia sẻ: Ngay từ đầu năm, cán bộ xã, xóm đã tuyên truyền về các biện pháp PCTT, đặc biệt là phòng, chống dông lốc, mưa đá. Từ đó, tôi nâng cao ý thức, khi xuất hiện mưa dông là về nhà không ở ngoài đồng; chuồng trại chăn nuôi gia cố cẩn thận, tránh bị tốc mái.

Nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, cảnh báo, dự báo về thiên tai, BCH PCTT&TKCN huyện đã tuyên truyền một số tài liệu hướng dẫn Nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc, sét, kèm theo mưa đá để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại tại trang facebook "Phongchongthientaihuyen caophong”. Các địa phương thường xuyên hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, chuồng trại. Đối với cây trồng đang vào vụ thu hoạch như mía trắng, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp các địa phương tuyên truyền người dân bán mía sớm, diện tích mía chưa bán được bóc lá già, buộc mía thành từng khóm từ 3 - 5 cây.

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/152600/huyen-cao-ph111ng-chu-dong-canh-bao,-san-sang-ung-pho-tr111ng-mua-mua-bao.htm