Huyện Cao Phong - điểm đến của du lịch sinh thái
Vừa mải mê ngắm những quả cam chín mọng trong vườn, anh Nguyễn Thanh Đoàn ở Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: Năm nào cũng vậy, vào mùa cam chín, tôi đưa vợ con lên đây chơi 2 ngày cuối tuần. Ngày đầu lên bến Thung Nai đi thuyền trên lòng hồ đến các điểm như: đền Thác Bờ, công viên nước, hang Miếng…, chiều tối về bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh nghỉ. Cả gia đình tôi đều thích ngủ đêm trải nghiệm ở bản. Buổi tối được thưởng thức những món ăn của người Mường, xem biểu diễn văn nghệ. Sáng hôm sau, cả gia đình đi thăm quan Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, chiều thăm quan quần thể hang động núi Đầu Rồng ở thị trấn Cao Phong, thăm vườn cam, thưởng thức cam và mua cam về làm quà cho người thân.
Từ đầu năm đến nay, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam ở xã Bắc Phong (Cao Phong) thu hút trên 70 nghìn lượt khách thăm quan.
Đồng chí Bùi Tiến Dũng, Trưởng phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Được thiên nhiên ưu đãi, Cao Phong có nhiều danh lam thắng cảnh thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, tâm linh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 khu di tích lịch sử được Bộ VH-TT&DL cấp bằng công nhận di tích quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh.
Xác định du lịch là một trong những mục tiêu mũi nhọn, góp phần phát triển KT-XH, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Theo đó, quy hoạch xây dựng các tuyến, cụm, điểm du lịch. Trong đó, tuyến du lịch Bình Thanh - Thung Nai - lòng hồ sông Đà là một trong những tuyến du lịch quan trọng của tỉnh, huyện. Xây dựng tuyến du lịch Tân Phong - Dũng Phong - Yên Lập - Yên Thượng với những khám phá đời sống sinh hoạt của bản Mường, tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa tại chùa Khánh, Quèn Ang. Tuyến du lịch thị trấn Cao Phong - Xuân Phong - núi Đầu Rồng thực sự là một trải nghiệm thú vị với du khách yêu thiên nhiên khi được thăm quan những miệt vườn cam và hang động đẹp, kỳ thú. Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, duy trì, khôi phục và phát triển nghệ thuật chiêng tại các thôn, xóm trên địa bàn huyện. Cùng với đó, các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, nâng cấp 19 cơ sở lưu trú với 151 phòng, trong đó có 18 nhà nghỉ, một khu nhà nghỉ cộng đồng. Năm 2019, huyện ước đón trên 435 nghìn lượt khách, tăng 93 nghìn lượt so với năm 2018, doanh thu ước đạt trên 39 tỷ đồng, tăng trên 18 tỷ đồng so với năm 2018.
Trong thời gian tới, huyện Cao Phong triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tuyên truyền, khuyến khích người dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Khai thác tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế du lịch. Lồng ghép các chương trình để đầu tư kinh phí mở rộng đường giao thông, bãi đỗ xe, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử và phát triển các lễ hội phục vụ du lịch.