Huyện Châu Thành: An toàn thực phẩm, hướng tới hiệu quả lâu dài
Thực hiện Chỉ thị 08 ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị 08), Huyện ủy Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa Chỉ thị 08 thành nhiệm vụ, giải pháp khả thi.Trên tinh thần đó, các cấp ủy Đảng, ban, ngành, đoàn thể rất quan tâm đến công tác này, nổi bật là ngành Y tế huyện thể hiện vai trò 'đầu tàu', đã cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu nêu trong Chỉ thị 08, Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 và đưa các tiêu chí ATTP vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ngành hằng năm.
HIỆU QUẢ RÕ RỆT THEO TỪNG NĂM
Công tác tuyên truyền đặc biệt được chú trọng từ huyện đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp từng đối tượng. Trong công tác này, vai trò của ngành Y tế, hệ thống truyền thanh, MTTQ và các đoàn thể thể hiện rõ qua việc đưa vấn đề ATTP vào chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm và chủ động phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Đáng kể là Hội Nông dân thực hiện nội dung cam kết 3 không: “Không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”; Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. 10 năm qua, có hơn 1.600 tin, bài tuyên truyền, phát hơn 4.700 lượt phát thanh trên loa, đài, dựng gần 500 băng rôn - áp phích, phát 16.000 tờ gấp - tờ rơi nội dung tập trung vào: Chỉ thị 08, Luật ATTP, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cách chọn mua, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn, điều kiện để bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm.
Ngành Y tế tổ chức tập huấn kiến thức an toàn, vệ sinh thực phẩm cho 1.300 người trực tiếp tham gia chế biến thức ăn; trong đó, có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, người bán thức ăn hàng rong; tổ chức 24 cuộc nói chuyện chuyên đề có 720 người tham dự, cùng với đoàn thể phối hợp các cơ quan chức năng, công ty thuốc bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, hội thảo về môi trường, ATTP với chủ đề: “Môi trường sạch - cuộc sống xanh”.
Đặc biệt, UBND huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước, từng bước siết chặt việc thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo đúng phân cấp quản lý. Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra với nhiều biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP trong sản xuất và tiêu dùng thực phẩm; định kỳ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP và đã kiểm tra được 923 lượt cơ sở. Đối với các cơ sở dễ xảy ra vi phạm, Đoàn tiến hành thường xuyên hơn, qua đó đã kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý các cơ sở vi phạm.
Nhờ làm tốt nhiệm vụ, giải pháp đề ra nên ý thức, trách nhiệm và thực hành ATTP trong cộng đồng được nâng lên, số vụ ngộ độc thực phẩm, người ngộ độc giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Cụ thể, trong 10 năm qua trên địa bàn huyện xảy ra 7 vụ ngộ độc với 570 người mắc; trong đó, giai đoạn 2012 - 2016 xảy ra 5 vụ, 550 người mắc thì giai đoạn 2017 - 2021 (tháng 5-2021) chỉ xảy ra 2 vụ, 20 người mắc.
TIẾP TỤC TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP
Tuy nhiên, ATTP vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nhận diện rõ hơn, khách quan hơn. Kết quả đạt được vừa qua chưa thật sự bền vững, rất dễ bị phá vỡ nếu chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý. Châu Thành vẫn là địa bàn phức tạp về ATTP do công nghiệp phát triển dẫn đến công nhân, người lao động tập trung đông, người dân có nhu cầu dịch vụ ăn uống ngày càng cao, trong khi đó khâu tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP còn hạn chế, nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong thực tế, một số cấp ủy, chính quyền cấp xã, thị trấn có lúc chưa quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, chậm phát hiện và chưa kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm xảy ra ngay trên địa bàn. Hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, chỉ phát hiện khi xảy ra mất an toàn, việc đấu tranh với các vụ vi phạm chưa quyết liệt.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 đạt kết quả tốt, yêu cầu đặt ra là: Cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội phải tiếp tục vào cuộc, nhận thức sâu sắc vai trò ATTP đối với sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực - hiệu quả quản lý nhà nước, phân công thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách sát địa bàn và rõ trách nhiệm, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, kiên quyết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đồng thời, tiếp tục các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn. Xây dựng mô hình điểm sản xuất sạch về chăn nuôi, chế biến, dịch vụ ăn uống và mô hình cộng đồng tự giám sát ATTP đối với cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ. MTTQ, các đoàn thể phát huy vai trò của mình, tiếp tục cụ thể hóa vấn đề ATTP thành tiêu chí hoạt động gắn kết với xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đưa vào chương trình giám sát hằng năm và tập hợp được lực lượng am hiểu lĩnh vực này thực hiện hiệu quả giám sát.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện nghiêm chế tài pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định ATTP.