Huyện Châu Thành: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Những năm qua, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Qua đó, nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất, hiệu quả cao được đưa vào canh tác, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng giá trị kinh tế.
Theo UBND huyện Châu Thành, thời gian qua, địa phương chú trọng thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi này góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các xã trên địa bàn huyện Châu Thành đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được trên 2.000 ha; trong đó, nông dân chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái (639 ha), từ vườn tạp sang trồng cây ăn trái (trên 730 ha) và từ đất lúa sang rau màu (gần 585 ha). Theo thống kê, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện hiện có 12.533 ha, sản lượng thu hoạch 250.039 tấn.
Bên cạnh đó, tiến độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái của huyện Châu Thành diễn ra tương đối nhanh do cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn. Trung bình 1 ha đất trồng lúa chuyển sang cây trồng khác, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn từ 30 - 200 triệu đồng, tùy theo từng loại cây.
Ông Phạm Tấn Vinh, ngụ xã Tân Hương, huyện Châu Thành chia sẻ, trước đây, gia đình có truyền thống làm lúa, nhưng những năm gần đây gia đình chuyển sang trồng cây ăn trái; đồng thời, nhận thấy mọi người xung quanh trồng dừa nên gia đình cũng trồng theo. Trồng dừa thì khỏe và lời hơn trồng lúa, công chăm sóc cũng nhẹ nhàng và phù hợp với tuổi tôi hiện nay.
Trong năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành yêu cầu cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
Công tác phòng, chống thiên tai phải được chủ động, sẵn sàng ứng phó tại chỗ để giảm thiệt hại khi xảy ra, đặc biệt xử lý các điểm sạt lở và theo dõi kịp thời phát hiện, xử lý các điểm sạt lở mới.
Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Châu Thành đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập trung cao nội dung, giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và xã hội hóa đầu tư.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, hiện nay, huyện đã và đang thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn một cách đồng bộ, từng bước hiện đại. Theo đó, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn phù hợp gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và tập trung phát triển sản xuất, xây dựng cũng như quảng bá hình ảnh mỗi xã 1 sản phẩm OCOP trở lên; hướng tới nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững.
Đồng thời, địa phương tiếp tục ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; tiếp tục củng cố, nâng chất các loại hình kinh tế tập thể, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô vừa và nhỏ, hoặc liên kết một số khâu trong chuỗi giá trị, nhất là khâu thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, sau 7 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của huyện Châu Thành đã có nhiều khởi sắc, người nông dân đã biết cách tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, biết liên kết với nhau từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.