Huyện Châu Thành tăng cường xây dựng nông thôn mới xã đông đồng bào Khmer

Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, những năm qua, các cấp, các ngành huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tích cực thực hiện phong trào trong xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đầu tư ở xã có đông đồng bào Khmer.

Khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Thành gặp không ít khó khăn, đó là địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn còn hạn chế, đại bộ phận người dân còn thiếu thông tin, chưa nắm rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, nhiều người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa nhiệt tình tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Để tháo gỡ khó khăn này, chính quyền địa phương đã vận động toàn dân tham gia góp tiền, góp sức để xây dựng nông thôn mới thông qua việc bàn bạc dân chủ, thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ". Cán bộ ở cơ sở thực hiện tốt công tác dân vận "Gần dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" nên nhiều việc tưởng khó khăn trong quá trình thực hiện cũng đã được tháo gỡ, giải quyết thành công, trong đó nổi bật là phong trào nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Trong thời gian qua, người dân trong huyện đã đóng góp được hàng ngàn ngày công, hàng chục tỷ đồng tiền mặt và hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, lộ giao thông, cầu nông thôn tại địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 5/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Phú Tâm phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021 và xã Thuận Hòa phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2022.

 Huy động nhân dân cùng thực hiện các công trình hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Huy động nhân dân cùng thực hiện các công trình hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Mỹ, Phú Tâm là một trong xã có đông đồng bào Khmer, ở vùng sâu của huyện, người dân chủ yếu sinh sống bằng việc sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 50,6 triệu đồng/người/năm, nên đời sống cũng còn khó khăn. Theo thống kê, đến tháng 5-2021 xã còn 107 hộ nghèo, chiếm 2,39% và 311 hộ cận nghèo, chiếm 6,94%. Để giảm nhanh và bền vững số hộ nghèo và cận nghèo của xã, cũng như đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới được bền vững, huyện đã hỗ trợ nhiều giải pháp quan trọng để xã vận dụng thực hiện, nhằm đem lại dấu ấn riêng của xã. Địa phương cũng phân công cụ thể để thực hiện và chú trọng công tác vận động các nguồn lực cùng chung tay đóng góp, xây dựng địa phương.

Bên cạnh đó, huyện Châu Thành cũng chú trọng phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng để đóng góp xây dựng nông thôn mới. Điển hình như ông Lâm Onl ở ấp Trà Canh B, xã Thuận Hòa, bằng uy tín của mình, ông đã vận động các nhà hảo tâm, bà con địa phương đóng góp để xây dựng đường, cầu… Nhờ đó, nhiều tuyến đường trong ấp được bê tông hóa trên 90%, với tổng chiều dài trên 20km và khoảng 15 cây cầu nông thôn được xây, góp phần cùng chính quyền nâng cao tiêu chí cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới. Ông còn kết nối để bà con địa phương góp sức làm nên những công trình nông thôn vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Mỹ cho biết thêm, để có được thành công trong xây dựng nông thôn mới, huyện chú trọng việc để nhân dân tham gia ý kiến vào việc xây dựng đề án của chương trình, tham gia ý kiến vào việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể của địa phương, cơ chế huy động đóng góp sức người, sức của từ dân; đồng thời thực hiện quyền giám sát, tham gia đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-chau-thanh/huyen-chau-thanh-tang-cuong-xay-dung-nong-thon-moi-xa-dong-dong-bao-khmer-51788.html