Huyện Củ Chi nằm ở phía tây bắc TP.HCM với diện tích 435 km2, cách trung tâm TP.HCM 33 km. Dân số năm 2019 là 462.047 người, mật độ dân số đạt 1.063 người/km². Trong ảnh là khu trung tâm của thị trấn Củ Chi.
Trong chương trình hành động khi ứng cử tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định hai huyện này cần phát triển thành đô thị sinh thái, thành phố xanh phía tây TP.HCM, đặc biệt cần sớm lên quận hoặc thành phố. Ông Phúc nhận định một trong những nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ của khu vực này là hạ tầng giao thông.
Về việc phát triển giao thông, trong năm 2020, tỉnh lộ 8 nối Bình Dương - Củ Chi (TP.HCM) - Long An đã được mở rộng giúp kết nối các khu công nghiệp của 3 địa phương này. Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng, hệ thống giao thông của huyện Củ Chi đang mất an toàn do các tuyến đường vẫn còn nhỏ, nguy hiểm. Nếu không sớm mở rộng, 3 năm nữa tình trạng ùn tắc giao thông sẽ xảy ra.
Với vị trí tiếp giáp nhiều tỉnh xung quanh như Tây Ninh, Long An, Bình Dương, huyện Củ Chi được chú trọng đầu tư mạng lưới giao thông trọng điểm. Đường cao tốc TP.HCM đến Mộc Bài sẽ đi qua Củ Chi được xem là tuyến giao thông huyết mạch trong tương lai, giúp giảm tải lưu lượng xe đi qua quốc lộ 22. Chủ tịch nước nhiều lần nói cần sớm thúc đẩy tiến độ tuyến cao tốc này.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến được khởi công trong năm 2022, dài 53,5 km, tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Trong ảnh là khu vực xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, nơi tuyến cao tốc sẽ đi qua.
Ngoài ra, huyện Củ Chi cũng kiến nghị UBND TP.HCM đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối giữa tỉnh lộ 15 với sông Sài Gòn (13 công trình giao thông và 3 cầu tàu) nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn. Trong ảnh là sông Sài Gòn đoạn đi qua xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Về kinh tế công nghiệp, trên địa bàn huyện Củ Chi tập trung khá nhiều khu công nghiệp (KCN) với quy mô lớn, nhiều ngành nghề, gồm: KCN Tân Phú Trung, KCN Tây Bắc Củ Chi, KCN Bàu Đưng...
Cách đó không xa là KCN Tân Phú Trung quy tụ 40 doanh nghiệp tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người dân Củ Chi. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị sản xuất toàn ngành của huyện đạt gần 59.000 tỷ đồng, tăng 12,74% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, các ngành thương mại dịch vụ của huyện Củ Chi vẫn tăng 16,64% so với cùng kỳ năm 2019. Trong ảnh là trung tâm thương mại lớn nhất huyện Củ Chi được khai trương cuối năm 2018.
Đây là một trong những địa điểm vui chơi, mua sắm đông đúc nhất ở huyện Củ Chi, TP.HCM.
Về lĩnh vực y tế, với Bệnh viện Xuyên Á và Bệnh viện Đa khoa Củ Chi hiện hữu, người dân có thể khám, chữa bệnh mà không cần phải đi vào trung tâm TP.HCM.
Hôm 15/1, dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi với kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng được khởi công.
Ngoài các khu công nghiệp, trên địa bàn huyện Củ Chi vẫn còn phần lớn đất nông nghiệp, người dân chủ yếu trồng lúa, bắp và các loại hoa màu khác. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc định hướng khu vực này cần phát triển công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chất lượng cao.
Đa số người dân tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, vẫn giữ thói quen sản xuất kiểu truyền thống, do đó hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Ngoài việc trồng lúa và chăn nuôi đàn bò 10 con tại nhà, anh Tư Toàn (ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM) vẫn tranh thủ thời gian đi đập lưới cá. "Trung bình mỗi chiều đi lưới tôi kiếm được 2-3 kg cá. Chủ yếu để cải thiện bữa ăn cho gia đình chứ không có bán vì cũng chẳng được bao nhiêu", anh Toàn cho biết.
Quỳnh Danh - Thu Hằng