Huyện Đà Bắc: Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, huyện Đà Bắc đã có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.

 Du khách nước ngoài thích thú khi được tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Dao tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Du khách nước ngoài thích thú khi được tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Dao tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Đà Bắc là huyện vùng cao có trên 5,5 vạn dân, với nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó 4 dân tộc chính là Tày, Mường, Kinh, Dao. Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa đa dạng, mang đậm bản sắc riêng, độc đáo. Các bản làng dân tộc sống gắn bó với thiên nhiên, tập tục sinh hoạt, lối sống vẫn mang đậm chất bản địa. Đồng chí Bùi Hồng Anh, Phó trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Xác định công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt, góp phần tuyên truyền, phổ biến, triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những năm qua, huyện đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong đó, chú trọng bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể, khôi phục tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, lễ hội, các làn điệu dân ca dân vũ truyền thống, trò chơi dân gian, ẩm thực, nhà ở, nghề truyền thống… Xây dựng cơ chế, chính sách để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tuyên truyền, vận động đồng bào nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Tày, Mường, Dao.

Hiện nay, tại nhiều xóm, bản, khu dân cư ở các xã: Hiền Lương, Mường Chiềng, Tiền Phong, Cao Sơn, Nánh Nghê… đang thực hiện xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng về kiến trúc nhà ở các dân tộc thiểu số như nhà sàn gỗ lợp lá cọ của đồng bào dân tộc Tày, nhà sàn gỗ lợp mái lá dân tộc Mường, nhà đất trệt lợp mái lá cọ dân tộc Dao… Đồng thời, duy trì các hoạt động lễ hội hàng năm như: lễ hội người Dao mừng xuân mới, xã Cao Sơn; lễ hội đền Chúa Thác Bờ, xã Vầy Nưa; lễ hội Cầu Mường, xã Mường Chiềng; các lễ hội nhỏ ở địa phương như lễ hội xuống đồng dân tộc Mường, lễ lập tĩnh (lễ đặt tên) dân tộc Dao, lễ mừng cơm mới… Ngoài ra, tổ chức mở lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, kỹ năng và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan các giá trị văn hóa dân tộc Tày, Mường, Dao tại địa phương. Duy trì các lớp dạy học chữ Nôm Dao của người Dao Tiền các xã Cao Sơn, Vầy Nưa; tổ chức thực hành, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Mường, Dao lồng ghép trong các chương trình văn nghệ, hội thi…

Các giá trị văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng… của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy đã góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú. Đưa các di sản trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Hồng Ngọc

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/146598/huyen-da-bac-bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong.htm