Huyện Đà Bắc đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế
Với lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp rộng lớn, những năm qua, người dân huyện Đà Bắc đã tập trung trồng rừng sản xuất, phát triển kinh tế rừng để cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập.
Với lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp rộng lớn, những năm qua, người dân huyện Đà Bắc đã tập trung trồng rừng sản xuất, phát triển kinh tế rừng để cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập.

Người dân xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) cải thiện thu nhập nhờ trồng rừng.
Cao Sơn là một trong những xã phát triển mạnh về kinh tế rừng. Toàn xã có gần 2.530 ha rừng, trong đó rừng trồng hơn 1.340 ha. Năm 2024, xã đã khai thác 84,6 ha rừng sản xuất đến chu kỳ khai thác, tổng thu nhập từ lâm nghiệp đạt 10,7 tỷ đồng. Theo đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, những năm qua người dân trên địa bàn xã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Theo đó, tình trạng khai thác gỗ non đã giảm, nhiều hộ thu hoạch khi rừng trồng đạt 6 - 7 năm tuổi nên giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Vừa qua, xã tổ chức phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đã trồng được 9.360 cây. Dự kiến năm 2025, toàn xã sẽ trồng 78 ha rừng.
Tại xóm Rằng, trồng rừng là nghề đem lại thu nhập chính cho người dân, với trên 200 ha rừng sản xuất. Theo trưởng xóm Rằng Lường Văn Hậu cho biết, năm 2024 là kỳ khai thác rừng lớn của bà con trong xóm, với tổng diện tích rừng đến kỳ khai thác trên 40 ha. Với chu kỳ trồng 6 - 7 năm, mỗi ha rừng trồng đem lại thu nhập từ 75 - 80 triệu đồng. Ngay sau khi khai thác, bà con trong xóm đã khẩn trương dọn dẹp đồi rừng để trồng lại chu kỳ mới. Trong đó, tập trung trồng các giống cây như: keo, bồ đề và bạch đàn.
"Những năm qua, trồng rừng đã đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân trong xóm. Tuy nhiên, năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (yagi) nên nhiều diện tích rừng bị thiệt hại. Bà con đã cắt những cây bị gãy đổ do bão và trồng xen mới. Ngoài ra trồng lại những diện tích đã khai thác, đến nay cây phát triển khá tốt. Từ sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, dự kiến diện tích trồng mới của xóm khoảng 4 ha. Trồng rừng không chỉ để khai thác gỗ, mà còn là bãi chăn thả gia súc”, ông Hậu cho biết.
Tân Minh cũng là xã phát triển mạnh về trồng rừng sản xuất. Đồng chí Quách Công Khang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2024, do ảnh hưởng của bão Yagi, trên địa bàn xã có trên 200 ha rừng bị thiệt hại, nhiều diện tích phải khai thác non. Do đó, sau Tết bà con tập trung trồng lại các diện tích này. Năm 2025, Tân Minh được UBND huyện giao trồng 100 ha rừng. Đến nay, toàn xã đã trồng rừng vượt kế hoạch, với 245 ha.Trong đó tập trung trồng các giống keo và bồ đề. Ngoài ra, xã đang khảo sát để thực hiện trồng thí điểm cây quế tại một số xóm. Thời gian tới, Tân Minh chú trọng khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời tận dụng diện tích đồi rừng phát triển chăn nuôi các loại gia súc phù hợp.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đà Bắc, đầu năm 2025, huyện dự kiến trồng trên 34 nghìn cây giống các loại. Trong đó, trồng 1.050 cây trong Tết trồng cây, trên 33 nghìn cây thuộc Dự án bảo vệ phát triển rừng. Toàn huyện thực hiện bảo vệ trên 47.538 ha rừng, chăm sóc rừng trồng qua các năm 3.460 ha, khoanh nuôi tái sinh rừng trên 858 ha. Với lợi thế rừng lớn, huyện Đà Bắc xác định, phát triển kinh tế rừng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh bảo vệ rừng, trồng mới rừng sản xuất, rừng phòng hộ đầu nguồn. Từng bước chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn để nâng cao chất lượng, năng suất rừng.