Huyện Đakrông đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Thời gian qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn huyện Đakrông huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhờ vậy, phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương.
Ngoài những thuận lợi, huyện Đakrông còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn một số vấn đề dễ nảy sinh phức tạp như: Tình hình khai thác lâm, khoáng sản trái phép ở các xã biên giới Tà Rụt, A Vao, Tà Long, A Bung, thị trấn Krông Klang, Mò Ó, Triệu Nguyên... làm cho thất thoát tài nguyên, khoáng sản, ô nhiễm môi trường kéo theo nhiều tệ nạn xã hội gây bức xúc trong Nhân dân; tình hình tranh chấp địa giới hành chính giữa xã A Bung và xã Hồng Thủy (A Lưới) diễn ra trong thời gian dài (đã được giải quyết dứt điểm); việc tuyên truyền, phát triển tôn giáo trái phép vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói riêng và kết quả thực hiện các nhiệm vụ KT - XH của huyện nói chung.
Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/HU, ngày 27/6/2012 về thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW, ngày 11/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức kiện toàn ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động và tổ chức triển khai thực hiện với nhiều hoạt động cụ thể, đề ra nội dung, biện pháp, cách làm sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. UBND các xã, thị trấn đã đưa ra chỉ tiêu xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vào kế hoạch phát triển KT - XH hằng năm để tổ chức thực hiện, gắn phong trào với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua, cuộc vận động khác như: Dân vận khéo, đền ơn đáp nghĩa, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…; tổ chức cho các hộ ký cam kết không có người vi phạm pháp luật.
Hằng năm, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức hội nghị tổng kết công tác QP - AN để đánh giá những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế cần khắc phục, làm căn cứ đánh giá, xếp loại, qua đó đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển có chiều sâu và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân tham gia phong trào được đẩy mạnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú như: Treo pa nô, áp phích; xây dựng tin, bài tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, phát thanh trực tiếp nhằm giáo dục, răn đe đối tượng; phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở trong việc cảm hóa, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Trong giai đoạn 2012 - 2022, huyện đã tổ chức hơn 1.500 lượt tuyên truyền tại khu dân cư, trường học với hơn 66.850 lượt người tham gia, đưa 189 đối tượng vi phạm ra kiểm điểm, giáo dục trước dân; tổ chức hơn 200 đợt truyền thông lưu động, mở 25 đợt cao điểm phát động toàn dân ra quân phòng, chống tội phạm…
Nhờ vậy, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân nhanh chóng hơn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ ở địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, súng săn tự chế được tăng cường. Kết quả đã vận động thu hồi 195 khẩu súng hơi tự chế, 8 khẩu súng quân dụng, 3 nòng súng quân dụng, 18 khẩu súng kíp, 155 viên đạn, 45 quả pháo bi, 520 ngư cụ cấm và 130 máy xung điện.
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các xã biên giới phối hợp với đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn triển khai tuần tra, phát quang đường biên cột mốc, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng và duy trì hiệu quả 32 tổ an ninh trật tự khu vực biên giới với 193 thành viên/5 xã, 195 hộ tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Phong trào xây dựng các mô hình an ninh trật tự được thực hiện và phát triển rộng khắp, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng và duy trì 26 loại mô hình với tổng số 59 mô hình về đảm bảo an ninh trật tự; phòng, chống tội phạm tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học.
Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu cho biết: “Để phát huy những kết quả đạt được của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, kế hoạch của tỉnh, huyện về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Đẩy mạnh và đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào; xây dựng, củng cố thế trận an ninh Nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, trọng tâm là ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới.
Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm như: Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT từ cơ sở. Duy trì mối quan hệ hợp tác giữa các lực lượng và Nhân dân Lào; quản lý, bảo vệ đường biên cột mốc và thực hiện tốt Hiêp định quy chế biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào. Chăm lo, xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”.