Huyện Điện Biên giải bài toán dân số

ĐBP - 'Phải sinh con trai nối dõi, đẻ nhiều con để có người lao động' là tư tưởng lạc hậu ăn sâu, bám rễ vào đời sống nhiều thế hệ người dân vùng cao tỉnh ta nói chung, huyện Điện Biên nói riêng. Nhưng bằng sự vào cuộc, đa dạng các biện pháp tuyên truyền 'mưa dầm thấm lâu', đi từng ngõ, gõ từng nhà đến nay nhận thức về việc sinh đẻ có kế hoạch của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện đã dần thay đổi tích cực.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hẹ Muông tuyên truyền phụ nữ theo nhóm nhỏ về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sử dụng các biện pháp tránh thai cho phụ nữ bản Na Côm.

Dừng lại ở 2 con

Trong ngôi nhà vách đất, mái prôxi măng ọp ẹp góc bản Na Dôn, xã Hẹ Muông, chị Lò Thị Hè, ôm con nhỏ ru à ơi giấc trưa. Đây là bé thứ 2 của vợ chồng chị, mới hơn 5 tháng tuổi. Nhà nghèo, ruộng nương ít, chăn nuôi không thuận lợi nên từ khi tách hộ đến nay đã 8 năm mà gia đình anh chị vẫn chật vật lo cuộc sống. Khi mang thai cháu thứ 2, chị Hè được cán bộ y tế tuyên truyền về Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, ngày 27/4/2015 của Chính phủ, quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Vợ chồng chị không do dự mà đăng ký thực hiện ngay, sẵn sàng các thủ tục. Sau khi sinh con vào tháng 7/2021, đến tháng 10, anh chị được hỗ trợ 2 triệu đồng theo Nghị định. Chị Lò Thị Hè chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có 700m2 ruộng, làm không đủ ăn, phải đong gạo giáp hạt, đẻ nhiều con thì không đủ khả năng chăm lo cho con. Đứa lớn đã 9 tuổi rồi nên vợ chồng tôi cũng xác định chỉ đẻ 2 con. Sau khi sinh cháu bé, chúng tôi đã cam kết bằng văn bản không sinh thêm con”.

Không chỉ gia đình chị Hè mà cùng trong năm, bản Na Dôn còn 2 cặp vợ chồng cũng đã cam kết không sinh con thứ 3 và thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 39. Trong đó 1 đôi vợ chồng sinh con từ cuối năm trước nhưng còn do dự suy nghĩ. Sau nhiều lần được cộng tác viên dân số bản, cán bộ y tế xã tuyên truyền, gia đình đã bàn bạc kỹ lưỡng và quyết định dừng lại ở 2 con để chăm lo, dạy dỗ cho tốt và có thời gian phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống để thoát nghèo. Chị Lò Thị Thanh, cộng tác viên dân số bản Na Dôn cho biết: “Gia đình nào sinh con một bề thì khó tuyên truyền hơn nhưng bản chúng tôi cũng rất ít gia đình trẻ sinh con thứ 3. Năm 2020 có 1 trường hợp do “vỡ kế hoạch”. Đến năm nay cũng không ghi nhận cháu sơ sinh nào là con thứ 3 trở lên. Để góp sức vào công tác này, tôi thường xuyên tuyên truyền Nghị định 39 và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho chị em nói riêng, bà con nói chung nhân các buổi họp thôn, bản, hội phụ nữ. Tôi bảo chị em rằng mình sinh con ra phải có trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ, lo cho con. Sinh ít thì còn có thời gian làm kinh tế, tích cóp được, có điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt, cho chúng đi học đến nơi đến chốn. Đẻ nhiều con thì nhiều gánh nặng, không xoay xở, chăm lo cho con được chu đáo. Bà con trong bản ngày càng có nhận thức cao nên đều đồng thuận, ủng hộ”.

Đã có nhiều chuyển biến trong công tác KHHGĐ, không sinh con thứ 3 tại bản Na Dôn nói riêng, xã Hẹ Muông nói chung. Số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên trong tổng số sinh toàn xã giảm từ 8/50 (năm 2020) xuống 7/52 (năm 2021). Tuy vậy, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn. Chị Cà Thị Dương, Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế xã cho biết: “Số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn chủ yếu là thuộc bản Na Côm. Đây là bản thuần dân tộc Mông, xa xôi, khó khăn nhất của xã, trong đó có 1 cụm dân cư cách trở, đường xá chia cắt mà chị em trạm không tự cầm lái đến được. Trạm thường phải phối hợp với cán bộ, đoàn thể xã để đến bản lồng ghép tuyên truyền, vận động. Dù năm nay không có gia đình nào của bản Na Côm được hưởng theo Nghị định 39 do không đủ điều kiện nhưng những năm trước vẫn có, tổng gần 10 cặp vợ chồng. Trong đó chỉ có 1 gia đình không thực hiện được theo cam kết đã chủ động trả lại số tiền hỗ trợ, còn lại đều duy trì 2 con”.

Để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, đội ngũ cán bộ y tế vừa phải thực hiện và tham mưu thực hiện đúng chính sách về dân số, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, đồng thời tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ với các biện pháp tránh thai hiện đại đến người dân.

Phụ nữ bản Nậm Ty 1 (xã Hua Thanh) tìm hiểu về chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ thông qua tài liệu do Trạm Y tế xã truyền thông.

“Phủ sóng” các biện pháptránh thai hiện đại

Hàng năm, Trung tâm Y tế các huyện trong tỉnh đều triển khai 2 đợt chiến dịch lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại địa bàn các xã khó khăn, có mức sinh sao, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao. Tuy nhiên, năm 2021 này, huyện Điện Biên chỉ tổ chức 1 đợt đã vượt chỉ tiêu, với kết quả 291/215 người áp dụng biện pháp tránh thai bằng dụng cụ tử cung và tiêm thuốc tránh thai (đạt 135,3%), cấp phát thuốc tránh thai cho 26 người, bao cao su cho 18 người... Qua đó góp phần thực hiện vượt kế hoạch năm: 918/878 (đạt 104,5%) ca sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng; 4.950/4.015 người áp dụng biện pháp tránh thai phi lâm sàng. Để có kết quả đó, ông Nguyễn Như Sóng, Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu Trung tâm cử bác sĩ và bố trí máy siêu âm di động tham gia chiến dịch, đến tận xã thăm khám, tư vấn cho người dân. Vì vậy, bà con phấn khởi, đến trạm y tế xã rất đông để khám, tư vấn, điều trị và sử dụng các biện pháp tránh thai”.

Không chỉ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ theo chiến dịch mà các trạm y tế xã đều thực hiện cung cấp dịch vụ này thường xuyên. Là địa bàn gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số, còn nhiều khó khăn nhưng xã Hua Thanh đã có 509/766 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Cũng như các xã vùng cao khác, các bản đồng bào dân tộc Mông, xa trung tâm luôn là “vùng lõm” của công tác KHHGĐ. Thế nhưng, bằng sự tận tình của các cán bộ y tế, nhận thức người dân về tránh thai, không sinh nhiều con tại các bản này đều đã được nâng lên. Chị Vũ Thị Hương, chuyên trách dân số, Trạm Y tế xã Hua Thanh chia sẻ: “2 bản xa nhất và còn vi phạm các chính sách về dân số nhiều nhất là Nậm Ty 1 và Nậm Ty 2. Hàng tháng cán bộ Trạm đều đến bản thực hiện công tác tiêm chủng cho trẻ em và lồng ghép các hoạt động khác. Câu chuyện giữa cán bộ trạm và người dân, đặc biệt là các bà mẹ đưa con đi tiêm chủng xoay quanh việc gia đình đã dùng biện pháp tránh thai gì chưa để tư vấn và cung cấp dịch vụ miễn phí cho họ. Sau khi được tuyên truyền, nhiều chị em chủ động xuống trạm y tế để đặt vòng hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai khác. Các chị em xuống trạm ngày nào cũng được, trạm luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ”.

Chuyện đẻ 8 - 10 con trong 1 gia đình đồng bào Mông vùng cao không phải hiếm. Hàng năm, Trạm Y tế xã Hua Thanh rà soát bà mẹ mang thai, gọi điện hoặc đến tận nhà vận động, tư vấn sau khi sinh thì thực hiện các biện pháp KHHGĐ hoặc tham gia hưởng hỗ trợ theo Nghị định 39 đối với hộ nào đủ điều kiện. Nhờ vậy trên 50% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở các bản vùng cao của xã đã sử dụng các biện pháp tránh thai. Cách đây ít lâu cũng có hộ dân tại bản Nậm Ty 2 sinh con thứ 4, trong khi người mẹ đẻ mổ từ đầu. Khi mang thai, cán bộ Trạm đã thường xuyên động viên, khuyên nhủ cả 2 vợ chồng nên KHHGĐ sau khi sinh để bảo vệ sức khỏe cho người mẹ và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, dù sinh con 1 bề nhưng người chồng đã đồng ý cho vợ triệt sản.

Nhờ những nỗ lực đó, năm 2021, các chỉ tiêu về dân số - KHHGD trên địa bàn huyện Điện Biên đều đạt và vượt chỉ tiêu. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vi phạm chính sách dân số là 10%, giảm 0,2% so với năm 2020; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai là 71,6% (đạt 100% kế hoạch); tỷ suất sinh 16%o, giảm so với kế hoạch 0,23%o... Đó là tiền đề để đảm bảo chăm sóc trẻ em, nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống người dân.

Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/193087/huyen-dien-bien-giai-bai-toan-dan-so