Huyện Gia Lâm: khẩn trương khắc phục sự cố do bão số 3 gây ra

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, chiều 7/9, lãnh đạo huyện Gia Lâm gồm Bí thư Huyện ủy Nguyễn Việt Hà, Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Huyền cùng đoàn công tác đã đến các xã có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi mưa bão để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm chỉ đạo công tác phòng chống bão tại xã Văn Đức.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm chỉ đạo công tác phòng chống bão tại xã Văn Đức.

Tại xã Văn Đức, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại bến đò Văn Đức - nơi có 16 hộ dân đang sinh sống bằng nghề chài lưới trên các thuyền bè đơn sơ. Theo báo cáo của lãnh đạo xã Văn Đức, khi biết cơn bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội, lãnh đạo xã và các ban ngành, đoàn thể đã vận động người dân sinh sống tại xóm vạn chài lên bờ để tránh bão. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ người già và trẻ nhỏ trong xóm vạn chài đã được đưa lên bờ trú ẩn an toàn, song vẫn còn những người khỏe mạnh ở lại để neo đậu thuyền bè và bảo vệ tài sản của gia đình.

Hầu hết người dân xóm vạn chài, xã Văn Đức đã di chuyển lên bờ tránh bão.

Hầu hết người dân xóm vạn chài, xã Văn Đức đã di chuyển lên bờ tránh bão.

Trước tình hình đó, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà đã chỉ đạo xã Văn Đức và các lực lượng chức năng của huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, yêu cầu toàn bộ người dân lên bờ trú ẩn an toàn, tài sản sẽ được lực lượng an ninh bảo vệ, không để xảy ra thiệt hại.

Tại khu vực sạt lở xã Kim Lan, qua kiểm tra cho thấy khu vực này đang có hiện tượng sạt lở mạnh, xâm lấn vào sâu nhà dân đang sinh sống bên bờ sông. Trước đó, huyện Gia Lâm đã có kiến nghị TP Hà Nội quan tâm kè tuyến này, song đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền đã yêu cầu lãnh đạo xã Kim Lan quan tâm đến những hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở và đề nghị những hộ này sơ tán khẩn cấp.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sạt lở tại xã Kim Lan.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sạt lở tại xã Kim Lan.

Qua kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương, lãnh đạo huyện Gia Lâm đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của huyện huy động tối đa phương tiện, lực lượng tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra. Đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát các công trình, nhà ở, nhà tạm có nguy cơ hư hỏng, sập đổ khi có gió bão để có phương án di dời, xử lý kịp thời. Quá trình thực hiện có khó khăn cần báo cáo ngay để Ban chỉ đạo huyện có hướng giải quyết. Lãnh đạo huyện Gia Lâm cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và tình hình mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Cây cổ thụ bị bật gốc trước cổng Nhà văn hóa thôn 2, xã Kim Lan.

Cây cổ thụ bị bật gốc trước cổng Nhà văn hóa thôn 2, xã Kim Lan.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Gia Lâm, từ 13h - 16h ngày 7/9, lượng mưa bình quân trên địa bàn huyện Gia Lâm là 7mm. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội, trong các ngày từ 4 – 7/9, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 trên địa bàn huyện, trong đó có 2 công điện và 7 văn bản chỉ đạo tập trung vào các đơn vị, địa bàn trọng điểm, xung yếu nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống bão. UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cũng ban hành thông báo huy động 100% quân số các phòng, ban, đơn vị trực tăng cường ứng phó khẩn cấp với bão số 3.

Một số diện tích hoa màu bị úng ngập, gãy đổ.

Một số diện tích hoa màu bị úng ngập, gãy đổ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Huyện ủy, UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các Tiểu ban đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, các vị trí trọng điểm, xung yếu, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm và các đơn vị liên quan triển khai vận hành các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn. Hiện nay, Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm đang vận hành 11 máy bơm tiêu thoát nước đệm (công suất 29.300m3/giờ). Các đơn vị khác như: Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Công ty Điện lực Gia Lâm, Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm, Xí nghiệp Thoát nước số 5, Hạt Quản lý đê số 12... và các phòng, ban liên quan sẵn sàng ứng trực triển khai công tác ứng phó bão số 3.

Bước đầu, đã ghi nhận tình hình ngập úng trên địa bàn, trong đó có 1,5ha rau màu bị ngập úng tại xã Văn Đức; 134 cây ăn quả, cây xanh bóng mát bị gãy đổ tại các xã Ninh Hiệp, Dương Hà, Yên Viên, Yên Thường, Đặng Xá, Kim Lan, Văn Đức, Cổ Bi, Kiêu Kỵ, Đình Xuyên, Dương Xá, thị trấn Yên Viên; 3 cột điện bị đổ, gãy tại các xã Yên Thường, Đình Xuyên, Kiêu Kỵ, hiện đã được Công ty Điện Lực Gia Lâm tiến hành khắc phục; 5 ngôi nhà bị tốc mái tại xã Văn Đức...

Các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục sự cố.

Các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục sự cố.

Hiện tại, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Gia Lâm tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin, dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến tình hình thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các xã, thị trấn và Nhân dân chủ động phòng tránh; đồng thời chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm, Xí nghiệp Thoát nước số 5 phối hợp với các HTX nông nghiệp vận hành các trạm bơm đảm bảo việc tiêu thoát nước trên địa bàn; kiểm tra tình hình ngập úng tại các khu dân cư và các vùng sản xuất nông nghiệp để kịp thời có biện pháp khắc phục đảm bảo tiêu thoát nước trong khu dân cư và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Hoàng Quyết

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-gia-lam-khan-truong-khac-phuc-su-co-do-bao-so-3-gay-ra.html