Huyện Gia Lâm: Khánh thành công trình tu bổ đình, chùa Yên Bình, xã Dương Xá
Hướng tới Kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 -23/11/2023), ngày 12/11, UBND xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đình - chùa thôn Yên Bình.
Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh cho biết, đình Yên Bình cùng với đình Dương Đanh phụng thờ Lý Khuê tự là Lý Lãng Công – 1 trong 12 sứ quân thời loạn Thập nhị sứ quân cát cứ vùng Siêu Loại làm Thành hoàng làng. Ông vốn là một bậc hào trưởng văn võ song toàn, đức độ hơn người được Nhân dân mến mộ và tin tưởng. Sau khi nạn Thập nhị sứ quân chấm dứt, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, ông được thu phục và sắc phong là Ngô Thông thượng đẳng thần.
Đình Yên Bình được khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17- 18) và được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật từ năm 2003. Đến năm 2019, 7 đạo sắc phong tại đình Yên Bình được UBND TP Hà Nội công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Lễ hội hàng năm của đình Yên Bình được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 2 Âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng.
Chùa Yên Bình (Sùng Linh tự) có niên đại cùng thời với đình Yên Bình. Năm 2003, chùa Yên Bình được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.
Trải qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử, đình, chùa thôn Yên Bình bị xuống cấp, nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến an toàn của người dân khi hành lễ. Vì vậy, ngày 16/9/2019, UBND huyện Gia Lâm đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo đình thôn Yên Bình, xã Dương Xá với tổng mức đầu tư trên 16 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách huyện trên 9,5 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa trên 6,5 tỷ đồng. Tiếp đó, UBND xã Dương Xá cũng ra quyết định đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo chùa Yên Bình, xã Dương Xá với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng.
Trong quá trình tu bổ, tôn tạo, Nhân dân trong xã đã đóng góp, công đức tổng số tiền gần 825 triệu đồng và hiện vật (đồ thờ) trị giá gần 200 triệu đồng. Sau 14 tháng thi công, đến tháng 10/2021, các hạng mục từ kinh phí ngân sách đã hoàn thành, Nhân dân thôn Yên Bình tiếp tục tu bổ các hạng mục từ kinh phí xã hội hóa, đến nay đã cơ bản hoàn thành bảo đảm chất lượng công trình và mỹ thuật theo đúng thiết kế, vẫn giữ nguyên giá trị về kiến trúc, văn hóa và tâm linh, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn các di sản văn hóa, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, huyện Gia Lâm đã và đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa với quan điểm “Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”, phấn đấu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, công nghiệp văn hóa dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Thời gian qua, huyện Gia Lâm đã luôn cố gắng dành mọi nguồn lực để ưu tiên bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 7 dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện được tiến hành bàn giao, khánh thành và đưa vào sử dụng. Riêng trên địa bàn xã Dương Xá có 3 dự án với 3 di tích gồm: Đình Dương Đanh, đình Yên Bình và chùa Yên Bình.
Việc tu bổ, tôn tạo và đưa vào sử dụng các di tích văn hóa nói chung, đình – chùa thôn Yên Bình nói riêng là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đề nghị Đảng ủy - UBND xã Dương Xá tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của Nhân dân trong việc giữ gìn di sản văn hóa của địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và có định hướng phát triển, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với bảo tồn, quảng bá, khai thác các giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn.
Dương Xá là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời. Trên mảnh đất Dương Xá còn bảo lưu hệ thống các di sản văn hóa phong phú gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có nhiều giá trị. Trong đó, 13/17 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng các cấp, gồm 5 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 8 di tích xếp hạng cấp TP; 1 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến và 2 bảo vật quốc gia lưu giữ tại cụm di tích đền – chùa Bà Tấm.