Huyện Gò Công Tây: Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để hợp tác xã phát triển

Xác định kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HTX phát triển.

CỦNG CỐ, NÂNG CHẤT HOẠT ĐỘNG

Huyện Gò Công Tây xác định giúp HTX phát triển là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm. Để cụ thể hóa định hướng này, thời gian qua, địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX theo tinh thần các nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch của Trung ương, tỉnh.

Theo đó, địa phương đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả phát triển KTTT (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) huyện. Ban Chỉ đạo huyện đã tập trung chỉ đạo tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, bảo đảm nguyên tắc tổ chức và hoạt động các HTX. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo cấp xã trong công tác quản lý nhà nước đối với các HTX. Nội dung trọng tâm là tiến hành khảo sát, điều tra thực trạng các HTX để có biện pháp hỗ trợ các HTX hoạt động đúng Luật HTX năm 2012; xây dựng kế hoạch kiểm tra, nâng chất hoạt động các HTX (2 lần/năm).

Huyện Gò Công Tây tích cực hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Huyện Gò Công Tây tích cực hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, trong năm 2023, địa phương đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện. Qua buổi đối thoại, các HTX gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, lãnh đạo UBND huyện và các ngành cùng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển trong thời gian tới.

Trong những tháng đầu năm, huyện Gò Công Tây đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch triển khai giai đoạn 2 Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Căn cứ Quyết định 2848 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh chấp thuận hỗ trợ lao động trẻ về làm việc cho HTX; trong đó, huyện Gò Công Tây được hỗ trợ 5 lao động trẻ về làm việc tại 4 HTX nông nghiệp, với tổng kinh phí giai đoạn 2023 - 2025 hơn 800 triệu đồng.

Ngoài ra, huyện Gò Công Tây đã đăng ký hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bình Quý với tổng kinh phí đề xuất 3,725 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 80%, HTX đối ứng 20% (hiện đang chờ UBND tỉnh phê duyệt).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Gò Công Tây thành lập mới 1 HTX, đạt 100% kế hoạch (HTX Nông nghiệp thương mại Dịch vụ Long Thới Thịnh, xã Long Bình). Đến nay, tổng số HTX trên địa bàn huyện là 20 HTX; trong đó, có 17 HTX nông nghiệp, 1 quỹ tín dụng nhân dân, 1 HTX vận tải, 1 HTX tiểu thủ công nghiệp. 20/20 HTX đã chuyển đổi và đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Với sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương, trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã hình thành các HTX hoạt động hiệu quả, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình như HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới (ấp Phú Quới, xã Yên Luông) với mô hình sản xuất rau an toàn, tạo được liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. HTX hiện có hơn 12 ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX đang cung cấp rau an toàn cho các đối tác như: Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart, các bếp ăn tập thể… Nhờ tạo được liên kết đầu ra ổn định, HTX không ngừng phát triển lớn mạnh, nâng tổng số thành viên lên 116 thành viên. Thành viên khi tham gia HTX được bao tiêu đầu ra, không phải gặp cảnh giá cả bấp bênh như sản xuất truyền thống.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa cũng là đơn vị điển hình của huyện Gò Công Tây trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Với sự nỗ lực vươn lên của HTX và sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, hoạt đông của HTX ngày càng phát triển vững chắc, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và lao động.

Hoạt động của HTX chủ yếu 3 khâu chính là mua chung, bán chung và tín dụng nội bộ. Giá lúa mua thỏa thuận theo thị trường, có ký hợp đồng, đặt cọc đến từng hộ. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất do HTX cung cấp cho các hộ ngày càng được mở rộng và chuyên sâu như: Làm đất, thu hoạch, cuộn rơm, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc bằng máy bay không người lái. Nhờ tạo được liên kết đầu vào, đầu ra ổn định kết hợp ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nên thành viên an tâm gắn bó với HTX, giúp thành viên nâng cao thu nhập.

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ĐỂ HTX PHÁT TRIỂN

Theo đồng chí Lê Văn Nê, thời gian qua, các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã thể hiện vai trò rất quan trọng trong việc liên kết, kết nối nông dân với doanh nghiệp. HTX đóng vai trò đại diện cho thành viên trong đàm phán về đầu vào và đầu ra, mang lại lợi ích cho người dân. Khi tham gia vào HTX, người dân sẽ sản xuất theo quy trình, kế hoạch, áp dụng khoa học - kỹ thuật, phát huy thế mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. HTX dần thể hiện vị trí, vai trò của mình. Các HTX năng động trong tìm kiếm thị trường, điển hình là các HTX tiêu thụ rau an toàn…

Hiện các HTX trên địa bàn huyện có khoảng 7 dự án/ kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vừa qua, địa phương thông qua 2 dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (bưởi và dừa) theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh. Đây là nội dung rất quan trọng giúp nông dân, HTX có điều kiện phát triển.

Cũng theo đồng chí Lê Văn Nê, trong thời gian tới, địa phương xác định HTX là một thành phần kinh tế rất quan trọng. Để hỗ trợ các HTX phát triển, trước hết, huyện xác định cần phải kết nối các HTX liên kết với nhau. Do đó, địa phương sẽ mời tất cả các HTX gặp gỡ với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, thị trường… Huyện dự kiến mỗi tháng sẽ tổ chức kết nối 1 lần. Một trong những nội dung quan trọng mà địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện là hỗ trợ các HTX về nguồn nhân lực, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cơ sở vật chất… làm sao các HTX phải thực hiện đúng và hết vai trò, trách nhiệm của mình. Hiện địa phương đang rà soát các khu đất công thuận lợi để hỗ trợ cho HTX thuê. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp hỗ trợ về cơ sở hạ tầng để giúp HTX xây dựng nhà xưởng chế biến, sơ chế, khu vực làm việc.

Huyện Gò Công Tây sẽ hỗ trợ các HTX kiện toàn đội ngũ quản lý, phát huy vai trò của người đứng đầu. Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân thấy được tầm quan trọng và lợi ích khi tham gia vào các HTX. “Muốn các HTX phát triển phải có sự quan tâm hỗ trợ từ phía Đảng ủy, UBND, các ngành chức năng. Nếu có sự chung tay thì chắc chắn KTTT sẽ ngày càng phát triển. Đồng thời, phải có các sự hỗ trợ khác như: Đào tạo, hỗ trợ, tư vấn cho các HTX trong xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Một vấn đề quan trọng là gắn các HTX với phát triển các sản phẩm OCOP. Địa phương sẽ tập trung thực hiện nội dung này” - đồng chí Lê Văn Nê cho biết thêm.

T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202306/huyen-go-cong-tay-ho-tro-thao-go-kho-khan-de-hop-tac-xa-phat-trien-981889/