Huyện Hà Trung phát triển nuôi trồng thủy sản

Hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân từ nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), huyện Hà Trung đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phát triển sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá rô phi đầu vuông của gia đình chị Phạm Thị Lan, xã Hà Ngọc.

Những năm qua, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, UBND huyện đã đưa ra chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, gắn với bảo vệ môi trường. Để người dân phát triển NTTS một cách bền vững, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã khuyến khích người dân chuyển đổi được 570 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang NTTS. Bên cạnh việc tạo điều kiện về con giống, nguồn vốn, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quan tâm hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật nuôi, như: Lựa chọn nguồn giống bảo đảm chất lượng, nuôi trồng gắn với an toàn sinh học và hướng dẫn các biện pháp để phòng bệnh, chăm sóc đàn cá bố mẹ... Áp dụng hiệu quả hình thức nuôi thâm canh xen ghép nhiều đối tượng, tạo sự phong phú, đa dạng về chủng loại. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trên địa bàn. Bên cạnh đó, người dân ở địa phương cũng đã nhận thức được vai trò của nghề nuôi trồng đối với việc phát triển kinh tế nên đã tích cực triển khai phong trào NTTS trên địa bàn. Từ hình thức nuôi quảng canh, nhiều hộ đã nuôi theo hình thức bán thâm canh và thâm canh. Ngoài việc nuôi cá truyền thống như cá trắm, cá chép, cá trôi...; các hộ nuôi đã phát triển các con nuôi mới, như: Cá vược, cá rô phi đầu vuông, ba ba, ếch, ốc nhồi, cá lăng, cá chép Thái,... mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ dân ở địa phương đã tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thực hiện tốt công tác phòng bệnh... nên rủi ro trong nuôi trồng đã được hạn chế.

Với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ của huyện và sự hợp tác của người dân nên diện tích NTTS ở địa phương ngày càng được mở rộng, năng suất và sản lượng tăng đều qua các năm. Hiện nay, toàn huyện có 1.830 ha NTTS, chủ yếu tập trung ở các xã Hà Đông, Hà Phong, Hà Ngọc,... sản lượng trung bình mỗi năm đạt 6.200 tấn/năm, thu nhập bình quân đạt 125 triệu/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hà Trung, cho biết: “Xác định NTTS cũng là một trong những hướng đi trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian tới, huyện Hà Trung tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất lượng giống; cải tạo, vệ sinh ao đầm; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn”. Khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi 300 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang NTTS. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh định hướng cho người dân phát triển mô hình “Nuôi cá nước ngọt theo quy trình VietGAP”, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ để mở rộng diện tích nuôi cá giống mới theo hướng thâm canh, phát triển một số loài đặc sản có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất, đa dạng đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả cũng như giá trị NTTS. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi giúp người dân khai thác tối đa thế mạnh sẵn có để phát triển NTTS theo hướng bền vững.

Mặc dù đạt được một số kết quả theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên việc NTTS trên địa bàn còn đối diện với nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đầu ra không ổn định... Bên cạnh đó, vốn đầu tư cũng như nhận thức và trình độ kỹ thuật của người dân còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-ha-trung-phat-trien-nuoi-trong-thuy-san/99252.htm