Huyện Hải Hậu đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP
Thời gian qua, huyện Hải Hậu tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP, qua đó từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời gian qua, huyện Hải Hậu tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP, qua đó từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
Từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả và trồng cải dầu khó khăn về đầu ra sản phẩm, xã Hải Tân đã chỉ đạo các hộ nông dân chuyển đổi sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, hiện nay nổi bật là mô hình trồng cây ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện với môi trường đang mở ra hướng đi đầy triển vọng cho người dân trong xã. Đồng chí Đỗ Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mô hình trồng ổi lê Đài Loan bắt đầu vào địa phương từ năm 2012, đến nay diện tích trồng ổi lê Đài Loan của xã đã lên đến hơn 11ha với 120 hộ trồng, tập trung ở xóm 3 và 4. Để phát triển ổi lê Đài Loan thành sản phẩm OCOP, thời gian qua, xã Hải Tân đã chủ động tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong suốt quá trình thâm canh, người dân chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng… Việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng được tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” là: đúng loại, đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời gian để đảm bảo hiệu quả hạn chế dư thừa gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Từ khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất ổi an toàn, 100% người trồng ổi nơi đây đã có những thay đổi về phương thức sản xuất để nâng cao chất lượng ổi thương phẩm. Năm 2020, UBND huyện Hải Hậu công nhận “ổi lê Đài Loan” của xã Hải Tân là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao; năm 2021, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1 (Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN và PTNT) chứng nhận vùng sản xuất ổi lê Đài Loan ở Hải Tân đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện sản phẩm “ổi lê Đài Loan” đang trở thành đặc sản, giúp người dân xã Hải Tân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Còn ở xã Hải Tây thì bà Đỗ Thị Cúc ở xóm 2 lại chuyển 5 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả cải tạo thành vùng trồng dược liệu, xây dựng cơ sở. Hiện nay, bà đang trồng hơn 70 loại dược liệu, trong đó tập trung chủ yếu là: kim ngân, dây thìa canh, sài đất, bạc hà, kinh giới… để sản xuất, chế biến ra các loại trà giảm cân, dưỡng nhan; chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ sau sinh; trà cho bệnh nhân tiểu đường và các loại dầu gội đầu, sữa tắm thảo dược. Để khẳng định chất lượng sản phẩm, năm 2021, cơ sở của bà Cúc đã đưa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm “Trà Thanh Tâm An” đã được UBND huyện Hải Hậu công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo bà Cúc, việc sản phẩm được công nhận OCOP không chỉ giúp cơ sở khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn được đông đảo người tiêu dùng biết tới, tạo thêm cơ hội tiêu thụ cho sản phẩm. Theo tính toán, bình quân mỗi tháng, cơ sở của bà Cúc xuất bán ra thị trường 1 tạ trà, 3 tạ dược liệu, tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.
Xác định thực hiện chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM, huyện Hải Hậu đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tạo cơ sở cho việc phát triển sản phẩm. Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã vận động, khuyến khích phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị như: lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lạc, cây dược liệu và rau quả, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản... Trong chăn nuôi, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí lại các vùng chăn nuôi trang trại tập trung theo quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2030. Cơ cấu lại đàn vật nuôi đảm bảo phát huy được tiềm năng, lợi thế chăn nuôi của địa phương, đồng thời áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường nhằm đảm bảo tính hiệu quả, bền vững và phù hợp yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành các chuỗi liên kết như: HTX chăn nuôi Sơn Lam, xã Hải Trung liên kết sản xuất, tiêu thụ thỏ thịt tại nhiều xã trong huyện với sản lượng 60-70 tấn/năm; Công ty TNHH Công Phượng, xã Hải Xuân liên kết sản xuất, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 10 triệu quả trứng gà, vịt sạch; HTX dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Hải Thanh nuôi trên 10 nghìn con vịt đẻ, mỗi năm xuất ra thị trường gần 3 triệu quả trứng vịt… Những năm qua, huyện Hải Hậu duy trì gần 200ha nuôi thủy sản nội đồng tập trung ở các xã Hải Châu, Hải Hòa, Thịnh Long, Hải Nam, Hải An, Hải Quang, Hải Đông… với các đối tượng nuôi chủ lực là cá diêu lồng, chim trắng, lóc bông, trắm, tôm nước ngọt. Huyện tiếp tục nhân rộng vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua và cá nước lợ với quy mô 600ha tại các xã, thị trấn: Hải Triều, Hải Chính, Hải Nam, Hải Phúc, Hải Lý, Hải Đông, Thịnh Long… Chuyển đổi một số diện tích làm muối, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản hoặc trồng rau màu theo quy hoạch. Đồng thời với thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Hải Hậu đã tích cực triển khai Chương trình OCOP, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất về phương pháp xây dựng, triển khai “phương án kinh doanh”; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường trong sản xuất; kỹ năng marketing phát triển sản phẩm, giám sát, quảng bá, phát triển thương mại sản phẩm. Đồng thời triển khai đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP đến các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện hỗ trợ các sản phẩm đăng ký mới đúng chu trình OCOP theo 6 bước và nâng sao, nâng hạng với các sản phẩm đã được công nhận OCOP cấp tỉnh. Từ khi chương trình OCOP được triển khai, đến nay huyện Hải Hậu có 78 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh với xếp hạng từ 3 sao trở lên. Điển hình là HTX dịch vụ Linh Phát, xã Hải Chính có 3 sản phẩm OCOP là Rượu nấm linh chi Linh Phát, Nấm bào ngư, Nấm linh chi Linh Phát; Doanh nghiệp Tư nhân Phú Long, thị trấn Thịnh Long có 4 sản phẩm OCOP là nấm đông trùng hạ thảo Phú Long, rượu ngâm đông trùng hạ thảo Phú Long, rượu ngâm đông trùng hạ thảo mật ong Phú Long, nước mắm Phú Long, mắm tôm Phú Long; HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc, xã Hải Lộc có sản phẩm OCOP trà dây thìa canh; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hải Phong, xã Hải Phong có sản phẩm OCOP cà tím Hải Phong… Huyện phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% khối lượng nông sản, thực phẩm chủ lực (lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, cây dược liệu, nấm, thịt lợn, trứng gia cầm, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá đặc sản nước ngọt, các sản phẩm chế biến từ thủy sản và rau, củ, quả chất lượng cao) được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với chế biến và phát triển sản phẩm OCOP.
Có thể thấy, hướng đi tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP của Hải Hậu đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thủy sản; góp phần xây dựng huyện NTM kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh