Huyền hồ - vị thuốc giảm đau, phá huyết

Huyền hồ là một cây thuốc thuộc họ thuốc phiện (Papaveraceae). Có tác dụng chỉ thống (giảm đau), phá huyết ứ, điều huyết và hoạt huyết. Được dùng trong quá trình điều trị các chứng bệnh về huyết như bế kinh, thống kinh, rối loạn kinh nguyệt, chấn thương gây bầm tím.

Cây Huyền hồ

Tên gọi khác: Huyền hồ sách, Diên hồ sách, Sanh diên hồ, Vũ hồ sách, Nguyên hồ.

Tên dược: Rhizoma Corydalis.

Tên khoa học: Corydalis ambigua. Họ: Thuốc phiện ( Papaveraceae).

Huyền hồ là cây thân thảo, sống lâu năm. Cây thân nhỏ, cao khoảng 20 - 50cm. Lá mọc đối xứng, lá kép xẻ lông chim, mép lá nguyên. Có chiều cao khoảng 20 - 50cm.

Hoa nở vào mùa xuân hoặc nở vào tháng 5 hằng năm, hoa mọc ở cuối thân, có màu hồng hoặc màu tím nhạt. Hoa mọc thành chùm và có hình môi. Rễ củ mọc dưới đất, có hình cầu.

Bộ phận dùng: Củ rễ được dùng làm thuốc, được gọi là diên hồ sách.

Cây mọc nhiều các một tỉnh Trung Quốc như Triết Giang, Phúc Kiến, Nhiệt Hà. Trong đó, dược liệu ở Triết Giang có chất lượng tốt nhất.

Thu hoạch sau tiết lập xuân. Đào củ rễ lên, sau đó đem rửa sạch đất cát, phơi nắng và cất dùng dần. Dược liệu sao khi phơi khô có mặt ngoài vàng tươi hoặc màu vàng đất, đường kính khoảng 1 - 1.5cm. Bề mặt có nhiều vết lăn gang, củ vàng ánh, cứng chắc.

Khi dùng, có thể bào chế huyền hồ với giấm (cứ 10kg dược liệu thì dùng 2kg giấm). Đem đun với lửa nhỏ cho đến khi giấm cạn hoàn toàn. Sau đó đem phơi khô, tán bột, tẩm muối hoặc rượu tùy theo mục đích sử dụng. Bảo quản nơi khô ráo.

Cây huyền hồ

Cây huyền hồ

Thành phần hóa học: Dược liệu chứa một số alkaloid như protin, corybolbin, dehydrocorydalin, corydalin,…

Vị thuốc huyền hồ

Huyền hồ có vị đắng, hăng, tính ôn, tác dụng lợi khí, điều kinh, phá huyết ứ, giảm đau,…

Vị đắng, hăng, tính ôn. Đi vào kinh Phế, Vị, Tâm và Can.

Công năng: Chỉ thống, tán ứ, hoạt huyết, lợi khí. Tẩm với giấm làm tăng tác dụng giảm đau, tẩm rượu tăng tác dụng hành huyết. Sao vàng có tác dụng điều huyết, dùng sống có tác dụng phá huyết.

Chủ trị: Đau bụng do khí hư, rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, huyết ứ gây đau, chấn thương tụ máu, sản hậu ứ huyết thành hòn cục, trị đau nhức toàn thân, thông lợi tiểu tiện.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

- Dược liệu làm tăng nồng độ nội tiết được vỏ tuyến thượng thận sản sinh.

- Huyền hồ có tác dụng cải thiện giấc ngủ, giảm đau, an thần.

- Thực nghiệm trên thỏ cho thấy, dược liệu làm tăng lưu lượng máu ở động mạch vành tim.

- Huyền hồ làm giảm nhẹ lượng mỡ ở chuột bị xơ vữa động mạch.

- Thuốc ức chế loét dạ dày do histamine và acid acetic ở chuột thực nghiệm.

Cách dùng - liều lượng: Thuốc được dùng ở dạng tán, hoàn, sắc và thường được phối hợp với các dược liệu khác. Ngày dùng khoảng 4 - 10g. Để đảm bảo công dụng, sự an toàn trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần có sự tư vấn của các thầy thuốc có chuyên môn, kinh nghiệm. Không tự ý mua dùng thuốc nhất là theo các thông tin dân gian, truyền miệng,… có thể dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe.

Thận trọng khi sử dụng vị thuốc Huyền hồ:

- Phụ nữ mang thai, người có chứng rong kinh, băng huyết, người hư yếu và có kinh sớm không nên dùng vị thuốc này.

- Không sử dụng đồng thời với các loại thuốc chống đông máu.

Bài thuốc hay từ Huyền hồ

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Một số bài thuốc có sử dụng vị thuốc Huyền hồ như:
Trị ho ở trẻ nhỏ và người cao tuổi: Khô phàn 2.5 chỉ và huyền hồ 1 lượng. Đem các vị tán bột, mỗi lần dùng 6g ngậm với 1 cục kẹo mạch nha, nuốt từ từ.
Trị chứng tiểu ra máu: Phác tiêu 7.5 chỉ và huyền hồ 1 lượng. Đem các vị tán bột, mỗi lần dùng 4 chỉ sắc lấy nước uống.
Chữa chứng đau phần ngoài do khí kết khối: Tụy tạng heo và huyền hồ tán bột. Tụy tạng heo xát thành từng miếng, nấu chín và chấm bột thuốc ăn hàng ngày.
Trị chứng bệnh khí huyết ở phụ nữ như kinh nguyệt không đều, đau bụng do ứ huyết: Đương quy (tẩm rượu sao), huyền hồ (bỏ vỏ, sao giấm) mỗi thứ 1 lượng, quất hồng 2 lượng. Đem các vị tán bột, trộn với rượu và luyện với hồ làm thành hoàn to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 100 viên uống cùng với nước giấm sắc khi đói.
Trị chứng đau quặn ruột ở trẻ nhỏ: Tiểu hồi hương và diên hồ sách, các vị bằng lượng nhau. Đem các vị tán bột, sao vàng và dùng uống với nước cơm khi đói.
Trị chứng đau giữa đầu hoặc đau một bên đầu: tạo giác 2 trái (bỏ vỏ, hạt, tán bột), thanh đại 2 chỉ và huyền hồ sách 7 củ. Tán bột mịn, trộn với nước làm thành viên to như hạt hạnh nhân. Mỗi lần dùng 1 viên hòa với nước rồi nhỏ vào mũ, đồng thời ngâm 1 đồng tiền bằng đồng. Khi nào thấy nhớt nhãi chảy ra thì bớt đau.
Trị chứng đau bụng ở nữ giới do khí ngưng huyết trệ: Đương quy, quế tâm, chỉ xác, đào nhân, huyền hồ, xuyên khung, mộc hương, xích thược, địa hoàng. Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi.
Trị chứng đau bụng do bế kinh: Nga truật, tam lăng và mộc hương mỗi vị 1.5 chỉ, hậu phác, đương quy, thược dược và diên hồ sách mỗi vị 3 chỉ. Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi.
Trị chứng viêm dạ dày, loét dạ dày, đau thần kinh chức năng dạ dày do ứ huyết và khí trệ sinh ra: Thiên tử 1 phần và huyền hồ 9 phần. Đem các vị tán bột, mỗi lần dùng 3 chỉ uống với nước. Ngày sử dụng từ 2 – 3 lần và duy trì trong thời gian dài.
Trị chứng đau sau khi sinh: Huyền hồ sao và nghiền mịn, dùng 6g uống với rượu cho đến khi khỏi.
Trị chứng đau nhức gân cốt do té ngã từ trên cao: Diên hồ sách nghiền bột, mỗi lần dùng 2 chỉ uống với rượu, ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi.
Trị chứng thống kinh: Hương phụ (sao giấm) 4 lượng và huyền hồ (sao rượu) 2 lượng. Tán bột, mỗi lần dùng 2 chỉ uống với rượu nóng.
Trị đau nhức thần kinh mặt: Thương nhỉ tử 3 chỉ, bạch chỉ, huyền hồ và xuyên khung mỗi thứ 5 chỉ. Dùng các vị sắc lấy nước uống.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/huyen-ho-vi-thuoc-giam-dau-pha-huyet-n179615.html