Huyện Hòa An (Cao Bằng) nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng có mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt, sạt lở ở nhiều nơi. Nhờ tích cực, chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó nên địa phương không bị thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản, nhất là hư hỏng đường sá và hoa màu khá lớn. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với đồng chí Luân Chiến Công, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hòa An về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn.

Phóng viên (PV): Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại cho huyện Hòa An như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Luân Chiến Công: Từ ngày 23 đến ngày 25-8, địa bàn huyện Hòa An xảy ra mưa lớn kèm gió lốc kéo dài trên diện rộng, gây ngập úng và sạt lở đất đá, một số khu vực bị cô lập. Tuy không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản, nông nghiệp và hạ tầng cơ sở khá lớn ở 9/15 xã, thị trấn. Theo thống kê sơ bộ, có một nhà dân bị sập hoàn toàn và 175 nhà dân bị ngập, hàng chục hộ dân bị sạt lở ta-luy sau nhà. Đặc biệt, toàn huyện có hàng trăm héc-ta lúa, ngô, hoa màu, ao nuôi cá chìm trong nước, trong đó nhiều nhất là xã Đức Long có hơn 230ha, xã Dân Chủ hơn 92ha, xã Nam Tuấn 92ha...; nhiều công trình giao thông liên xã, giao thông nông thôn tại các xã Đại Tiến, Hoàng Tung, Nguyễn Huệ, Bình Dương, Lê Chung, Hồng Nam, Bạch Đằng bị sạt lở ta-luy, nhiều chỗ sạt lở lớn không lưu thông được.

 Mưa lớn kéo dài làm nhiều khu vực ở huyện Hòa An (Cao Bằng) bị ngập nặng. Ảnh: HOÀNG LAN

Mưa lớn kéo dài làm nhiều khu vực ở huyện Hòa An (Cao Bằng) bị ngập nặng. Ảnh: HOÀNG LAN

Lực lượng vũ trang huyện Hòa An kịp thời hỗ trợ ứng cứu người dân vùng bị ngập ngay trong đêm. Ảnh: HOÀNG LAN

Lực lượng vũ trang huyện Hòa An kịp thời hỗ trợ ứng cứu người dân vùng bị ngập ngay trong đêm. Ảnh: HOÀNG LAN

 Lãnh đạo huyện Hòa An chỉ đạo khắc phục hệ thống điện bị hư hỏng. Ảnh: HOÀNG LAN

Lãnh đạo huyện Hòa An chỉ đạo khắc phục hệ thống điện bị hư hỏng. Ảnh: HOÀNG LAN

PV:Huyện đã triển khai ứng phó với mưa lũ ra sao?

Đồng chí Luân Chiến Công: Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và lực lượng chức năng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, nhất là kịp thời cảnh báo, di dời người và tài sản trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ lụt theo phương châm khẩn trương sơ tán, bảo vệ tính mạng người dân là trên hết, trước hết. Nhờ đó, trong đợt thiên tai này, toàn huyện không có thiệt hại về người.

Ngay trong đêm 23, rạng sáng 24-8, khi mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp ở thị trấn Nước Hai và xóm Bằng Giang, xã Đức Long, khiến 5 khu vực dân cư bị cô lập hoàn toàn, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo, huy động các lực lượng kịp thời ứng phó, nhanh chóng triển khai các biện pháp: Cắt điện tại các vùng ngập bảo đảm an toàn cho người dân; điều động gần 70 cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, dân quân, dân phòng sử dụng bè, mảng và mang theo trang bị cứu đuối cơ động vào vùng bị cô lập để đưa người dân và tài sản ra khỏi vùng ngập lụt; hỗ trợ bố trí nơi ở tạm cho nhân dân và giúp bà con bảo quản, sắp xếp đồ đạc, tài sản ngay trong đêm, cung cấp nước uống, mì ăn liền...

Cùng với đó, huyện thành lập 5 tổ công tác trực tiếp liên hệ, hỗ trợ người dân ở 5 điểm bị cô lập, túc trực ở các điểm ngập lụt; huy động các phương tiện trong dân như xuồng, bè tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và phân công các tổ đi đến từng hộ để hỗ trợ khi cần. Chỉ đạo phát thanh, tuyên truyền, kêu gọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho gia đình; cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” để người dân liên lạc đề nghị ứng cứu khi cần thiết; sử dụng Flycam để quan sát trên cao, kịp thời hỗ trợ lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ.

Đối với các hộ bị hư hỏng nhà cửa, lực lượng quân sự, công an địa phương cùng với người dân tập trung dựng lán tạm, tìm kiếm tài sản, cung cấp nhu yếu phẩm. Huyện cũng khẩn trương chỉ đạo, phối hợp khắc phục những tuyến đường bị sạt lở và triển khai tổng dọn vệ sinh, phòng dịch bệnh ngay khi nước rút.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết vai trò của LLVT trong việc giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ?

Đồng chí Luân Chiến Công: Lực lượng quân sự, công an địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng, làm nòng cốt, xung kích trong việc giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ. Suốt đêm 23 và rạng sáng 24-8, bộ đội, công an, dân quân của địa phương đã kịp thời huy động toàn bộ lực lượng tham gia ứng cứu. Cán bộ, chiến sĩ không quản ngại nguy hiểm khi nước chảy xiết và trời tối, trực tiếp bơi vào các khu vực bị ngập nặng để ứng cứu nhân dân. nhanh chóng, kịp thời. LLVT huyện cũng làm nòng cốt trong việc vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con ở khu vực bị cô lập, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở. Nhiều cán bộ, chiến sĩ hai ngày đêm liền không ngủ để làm nhiệm vụ giúp dân ứng phó thiên tai, để lại tình cảm đẹp, giúp cán bộ và nhân dân ở những khu vực bị ngập lụt cảm thấy yên tâm, ấm lòng.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hòa An giúp người dân khắc phục hậu quả nhà bị đổ. Ảnh: HOÀNG LAN

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hòa An giúp người dân khắc phục hậu quả nhà bị đổ. Ảnh: HOÀNG LAN

Bộ đội và Công an huyện Hòa An vận chuyển mì ăn liền cứu trợ người dân khu vực bị nước lũ cô lập. Ảnh: HOÀNG LAN

Bộ đội và Công an huyện Hòa An vận chuyển mì ăn liền cứu trợ người dân khu vực bị nước lũ cô lập. Ảnh: HOÀNG LAN

PV:Huyện Hòa An triển khai những giải pháp gì để giúp nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống?

Đồng chí Luân Chiến Công: Thường trực Huyện ủy, UBND huyện xác định trước hết phải giúp nhân dân ở những khu vực bị ngập, bị sạt lở, bị cô lập ổn định cuộc sống, nhất là rà soát để di dời những hộ có nguy cơ bị sạt lở. Tập trung huy động lực lượng công an, quân sự và bà con làng xóm giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại về nhà cửa khắc phục hậu quả, ưu tiên gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn; đề xuất chính sách hỗ trợ các hộ đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục những tuyến đường bị sạt lở, những cột điện bị nghiêng đổ và tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường, xử lý các giếng nước phục vụ sinh hoạt, làm công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực tương trợ, giúp đỡ nhau; cảnh báo cho bà con chú ý bảo đảm an toàn cho mình và gia đình, không liều mình tìm vớt tài sản trên sông, suối. UBND huyện cũng đã yêu cầu các phòng chức năng phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn nhanh chóng thống kê chính xác thiệt hại để tổng hợp báo cáo, đề xuất phương án hỗ trợ người dân bị thiệt hại bảo đảm phù hợp, đúng đối tượng. Đối với những diện tích ngập úng, hoa màu hư hỏng thì nhanh chóng hướng dẫn bà con trồng cây thay thế cho hiệu quả.

Ngoài ra, huyện Hòa An cũng đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai, cấp thêm cho huyện một số chiếc xuồng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tổ chức tập huấn cho lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn và tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai để chủ động giảm thiệt hại.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HUY QUANG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/huyen-hoa-an-cao-bang-no-luc-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-791182