Huyện Khánh Sơn canh tác cây ăn quả phải gắn với giữ rừng tự nhiên
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tại buổi khảo sát và làm việc với huyện Khánh Sơn ngày 16-9 về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng Dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2019 - 2023”. Đi cùng đoàn công tác của Hội dồng Dân tộc có ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Khánh Sơn.
Trong ngày, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế việc giao đất, giao rừng gắn với tạo sinh kế ổn định vùng DTTS-MN ở hộ gia đình chị Cao Thị Lam Hương (thôn Liên Bình, xã Sơn Bình) và làm việc với xã Sơn Bình và huyện Khánh Sơn. Thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định ở vùng DTTS-MN giai đoạn 2019 - 2023, huyện Khánh Sơn đã giao đất có nguồn gốc bóc tách từ lâm trường 10,80 ha; diện tích khoán bảo vệ rừng 7.777,29 ha; diện tích đã thu hồi từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa 2.480,58 ha, trong đó đất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân là 1.032,62 ha/423 hộ. Quá trình thực hiện, huyện còn gặp khó khăn như các khu vực thực hiện đề án nằm chủ yếu trên núi cao, độ dốc lớn rất khó khăn trong việc kiểm tra, chăm sóc; việc rà soát đất chồng lấn giữa đất của hộ gia đình, cá nhân với các tổ chức khác còn nhiều khó khăn về hồ sơ pháp lý, ranh giới, mốc giới sử dụng đất giữa hồ sơ và thực tế chưa rõ ràng; mức hỗ trợ của Nhà nước, thu nhập từ hoạt động sản xuất lâm nghiệp còn thấp...
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lâm Thành đã đánh giá cao hiệu quả của việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Khánh Sơn, bước đầu góp phần tạo việc làm cho người dân sống gần rừng, cải thiện nhu cầu cuộc sống; diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ phát triển bền vững hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật.
Ông Thành đề nghị thời gian tới, chính quyền địa phương cần bám sát các quy định mới của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, rà soát lại các quy hoạch, tránh việc chồng lấn đất trong quá trình giao đất, giao rừng; thực hiện các mô hình sinh kế bền vững cho người dân đồng bào DTTS; tăng cường công tác phối hợp với Ban quản lý rừng, cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng. Đối với huyện Khánh Sơn những vùng đất trên núi cao không canh tác cây ăn quả mà tập trung để trồng rừng; canh tác cây ăn quả phải gắn liền với giữ rừng tự nhiên; bên cạnh cây trồng chủ lực như sầu riêng, cần trồng thêm các loại cây khác để tránh rủi ro; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phát triển, bảo vệ rừng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Hữu Hoàng đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo, góp ý, gợi mở của đoàn công tác để thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; đồng thời, mong muốn Đoàn công tác tiếp tục quan tâm, kiến nghị tháo gỡ, những khó khăn, vướng mắc trong chính sách giao đất, giao rừng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Khánh Sơn nói riêng và tỉnh nói chung.
Đối với những ý kiến, kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa và huyện Khánh Sơn tại buổi làm việc, đoàn công tác tổng hợp đầy đủ và sẽ đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, tạo được sinh kế bền vững để người dân gắn bó với rừng và bảo vệ rừng một cách bền vững.