Huyện Krông Nô: Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, với tiềm năng đất đai và tài nguyên phong phú, những năm qua, huyện đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách dân tộc phát triển kinh tế - xã hội vùng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng của người dân, huyện đang triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình), tập trung vào Dự án 1 hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững.

Huyện Krông Nô triển khai hiệu quả Chương trình, từng bước nâng cao đời sống đồng bào DTTS và miền núi (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Huyện Krông Nô có tổng diện tích tự nhiên 81.349,31ha, gồm 11 xã và 01 thị trấn với 93 thôn, bon, buôn, tổ dân phố; có 52 thôn, buôn, bon đồng bào DTTS, trong đó có 22 buôn, bon đồng bào DTTS tại chỗ. Tính đến tháng 12/2023, dân số toàn huyện có 19.775 hộ/83.432 khẩu với 24 dân tộc cùng sinh sống; trong đó 23 DTTS với 7.339hộ/34.066 khẩu. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 748 hộ nghèo (theo chuẩn mới) chiếm 3,78%, giảm 0,54% so với năm 2022 và giảm 4,91% so với năm 2018; trong đó: hộ nghèo DTTS có 560 hộ, chiếm tỷ lệ 7,63%; hộ nghèo DTTS tại chỗ có 264 hộ, chiếm tỷ lệ 13,1%, giảm 1,9% so với năm 2022. Hiện nay, huyện Krông Nô có 08 xã và 01 thị trấn thuộc khu vực I, 03 xã thuộc khu vực II; huyện có 19 thôn, bon, buôn đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong giai đoạn 2021 - 2024 tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Chương trình là 98.732 triệu đồng. Cùng với các nguồn vốn từ các chương trình và dự án đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ toàn diện trên nhiều lĩnh vực như nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề; phát triển sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần; chăm sóc sức khỏe, y tế; thực hiện bình đẳng giới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phòng, chống tảo hôn…

Đối với Dự án 1, Chương trình thực hiện hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương. Về hỗ trợ đất ở, huyện đã thực hiện dự án cải tạo mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại xã Nâm Nung, thực hiện cấp đất ở cho 17 hộ đồng bào DTTS với tổng kinh phí 1.485 triệu đồng.

Về hỗ trợ nhà ở, huyện đã hỗ trợ kinh phí xây dựng và hoàn thành 21 căn nhà cho các hộ dân, với tổng kinh phí là 924 triệu đồng. Mỗi hộ được cấp một căn nhà phù hợp với phong tục tập quán địa phương, xây dựng theo tiêu chuẩn nhà cấp 4, đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mỗi hộ còn được vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà, giúp giảm áp lực tài chính cho người dân.

Đối với hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, huyện tập trung hỗ trợ các hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất bằng cách chuyển đổi sang nghề chăn nuôi. Cụ thể, các hộ được cấp bò giống sinh sản với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, tổng số tiền hỗ trợ là 80 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ còn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng kinh phí vay là 240 triệu đồng. Việc hỗ trợ này đã giúp người dân có thêm sinh kế, tạo điều kiện nâng cao thu nhập của đồng bào DTTS trong thời gian tới.

Về nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, căn cứ vào nhu cầu thực tế của các hộ dân, UBND xã và thị trấn đã hỗ trợ dụng cụ chứa nước (bồn nước inox) cho 163 hộ, với tổng kinh phí 479 triệu đồng. Trong thời gian tới, huyện dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 241 hộ khác tại 10 xã và thị trấn trên địa bàn. Đối với nước sinh hoạt tập trung, huyện đã và đang triển khai 5 công trình cấp nước tại các địa phương, bao gồm thôn Buôn Choah, xã Buôn Choah; thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú (nâng cấp, sửa chữa); và thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (xây dựng mới). Các công trình này, sau khi hoàn thành, sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 452 hộ đồng bào DTTS tại các thôn, buôn, bon, cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt và chất lượng sống của người dân.

Trong năm 2024, theo báo cáo của UBND huyện Krông Nô, tính đến tháng 10, tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn cho Chương trình là: tổng dự toán ngân sách Nhà nước là 27.081 triệu đồng, trong đó đã phân bổ 26.712 triệu đồng (gồm vốn đầu tư phát triển là 17.993 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 8.719 triệu đồng), còn lại 369 triệu đồng vốn sự nghiệp chưa được thực hiện phân bổ. Hiện Chương trình đã giải ngân được 7.788,369 triệu đồng (bao gồm vốn đầu tư phát triển là 6.957,43 triệu đồng và vốn sự nghiệp là 830,939 triệu đồng), đạt 28,76%.

Một số nguyên nhânlàm chậm tiến độ giải ngân của Chương trình, như, đối với Dự án 1, quá trình ra soát số đối tượng thụ hưởng đã giảm so với đăng ký ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, một số hộ được hưởng hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác hoặc được các mạnh thường quân tài trợ, dẫn đến không còn đủ điều kiện thụ hưởng theo quy định của Chương trình. Ngoài ra, việc giảm đối tượng thụ hưởng nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán còn do người dân được hưởng lợi từ các công trình nước sinh hoạt tập trung mới được đầu tư. Có một số trường hợp hộ DTTS đã tự tạo nguồn nước, mua bồn chứa nước trong quá trình chờ đợi sự hỗ trợ.

Việc hỗ trợ nhà ở cần tuân thủ quy định pháp luật về đất đai và xây dựng, dẫn tới chậm trễ, khó thực hiện, vì hầu hết hộ nghèo DTTS đều chưa đáp ứng các điều kiện về đất đai như chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Để gỡ khó cho việc giải ngân vốn, thực hiện theo cơ chế đặc thù đối với Chương trình, ngày 12/11/2024 UBND huyện Krông Nô đã có Tờ trình số 114/TTr-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và dự toán ngân sách Nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 được chuyển sang năm 2024 thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện Krông Nô, huyện đề xuất giảm dự toán 11,318 tỷ đồng từ các nguồn không còn đối tượng thụ hưởng, công trình hoàn thành hoặc không khả thi giải ngân, đồng thời tăng dự toán thêm 19,377 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn bổ sung từ tỉnh. Nguồn vốn này được ưu tiên phân bổ cho các dự án trọng tâm như Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua phát triển giáo dục và đào tạo nghề; cũng như hỗ trợ các nhóm DTTS ít người và nhóm khó khăn đặc thù. Việc điều chỉnh ngân sách nhằm khắc phục những khó khăn như hạn chế quỹ đất, thiếu đối tượng thụ hưởng hoặc khó khăn triển khai các chương trình. Đồng thời, huyện tập trung giám sát tiến độ giải ngân, đảm bảo hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.

Hải Yến

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/huyen-krong-no-nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-59245.html