Huyện Lạc Sơn quan tâm phát triển lĩnh vực dịch vụ

Thực hiện Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Lạc Sơn đã quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện, đẩy mạnh và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển lĩnh vực dịch vụ của địa phương. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về chiến lược phát triển ngành dịch vụ trên địa bàn. Đảm bảo các mục tiêu về phát triển ngành dịch vụ thông qua thực hiện Quy hoạch tỉnh, các kế hoạch phát triển KT-XH, phát triển ngành dịch vụ giai đoạn 5 năm và hàng năm được thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Bãi Bùi, xã Ngọc Lâu - điểm check in thu hút du khách được huyện Lạc Sơn quan tâm đầu tư phát triển du lịch.

Bãi Bùi, xã Ngọc Lâu - điểm check in thu hút du khách được huyện Lạc Sơn quan tâm đầu tư phát triển du lịch.

Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, huyện tăng cường công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo điểm nhấn thu hút du khách thăm quan, khám phá. Phối hợp quảng bá các khu di tích lịch sử, điểm danh lam thắng cảnh cho du khách thập phương về tham dự các lễ hội và trải nghiệm tại các điểm du lịch như: bãi Bùi, đồi 3 Mường, xã Ngọc Lâu; thác Mu, xã Tự Do; ruộng bậc thang, thảo nguyên xanh xã Miền Đồi; đồi Thung, hồ Khả xã Quý Hòa; hồ Cánh Tạng… Năm 2022, tổng lượng khách thăm quan du lịch đến huyện ước đạt 40.000 lượt khách (khách quốc tế 200 lượt); doanh thu từ du lịch đạt trên 7,5 tỷ đồng. Huyện đã triển khai các bước quy hoạch chi tiết khu du lịch thác Mu, xã Tự Do; khu không gian văn hóa Mường tại xã Yên Phú; đầu tư cơ sở vật chất một số hạng mục hạ tầng du lịch cần thiết để thu hút khách thăm quan tại thác Mu - xã Tự Do, bãi Bùi - xã Ngọc Lâu, ruộng bậc thang, thảo nguyên xanh xã Miền Đồi, đồi Thung, hồ Khả - xã Quý Hòa…

Đối với dịch vụ logistic và vận tải, trên địa bàn huyện có 1 bến xe khách hạng 5 tại trung tâm thị trấn Vụ Bản. Duy trì hoạt động thường xuyên các tuyến vận tải hành khách trên địa bàn nội tỉnh và liên tỉnh đạt 46 chuyến/ngày; 1 tuyến xe buýt lộ trình Hòa Bình - Lạc Sơn - Yên Thủy, tần xuất 30 phút/chuyến. Thời gian qua, số lượng xe vận tải hành khách và hàng hóa theo hợp đồng tăng nhanh, góp phần đa dạng hóa loại hình dịch vụ vận tải, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đi lại, chung chuyển hàng hóa của doanh nghiệp và người dân.

Mạng lưới bưu chính hiện có 1 bưu cục cấp 2, 1 bưu cục cấp 3 và 22 điểm bưu điện - văn hóa xã. Năm 2022, Bưu điện huyện chủ động nâng cấp dịch vụ chăm sóc, tiếp thị khách hàng, mở rộng nhiều dịch vụ, trong đó mở rộng phát triển dịch vụ chuyển phát hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Trên địa bàn huyện có 3 chi nhánh doanh nghiệp hoạt động cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet (VNPT, Viettel và Mobifone). Mạng lưới viễn thông được các doanh nghiệp phát triển theo quy hoạch ngành phù hợp với quy hoạch chung của huyện. Toàn huyện có 76 trạm phát sóng BTS, sóng thông tin di động thế hệ 3G, 4G được phủ sóng đạt gần 100%. Hệ thống mạng ngoại vi, mạng truyền dẫn trực tiếp được các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp sang hệ thống cáp quang đảm bảo chất lượng tín hiệu truyền dẫn.

Hệ thống chợ trên địa bàn huyện được duy trì hoạt động ổn định (trừ chợ Cháy, thị trấn Vụ Bản; chợ Quyển, xã Quyết Thắng dừng hoạt động do diện tích nhỏ hẹp và các xã, thị trấn sau sáp nhập đang có chợ hoạt động), đáp ứng phục vụ tốt nhu cầu trao đổi giao lưu hàng hóa của Nhân dân trong và ngoài huyện. Các phiên chợ duy trì những nét đặc trưng của chợ truyền thống, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch khám phá; đồng thời tổ chức các hội chợ thương mại tại địa phương nhằm đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.

Cơ sở vật chất cho ngành y tế tiếp tục được đầu tư, từng bước hiện đại trong công tác khám, chữa bệnh; đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường đào tạo, các chương trình y tế thực hiện hiệu quả, đảm bảo cho người nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội có điều kiện được chăm sóc sức khỏe. Năm 2022, ngành y tế huyện khám bệnh cho 89.512 lượt người; điều trị nội trú 27.384 lượt người; điều trị ngoại trú 191.674 lượt người; tổng số ngày điều trị nội trú 53.719 ngày. Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chỉ tiêu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, kết quả tổng số hộ có công trình vệ sinh hợp vệ sinh đạt 98,13%.

Với sự chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, UBND huyện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt cơ chế, chính sách theo quy định của T.Ư, của tỉnh về phát triển khu vực dịch vụ trên địa bàn huyện. Nguồn lực đầu tư ngày càng được quan tâm nên chất lượng các ngành dịch vụ ngày càng cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.

V.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/173232/huyen-lac-son-quan-tam-phat-trien-linh-vuc-dich-vu.htm