Huyện Lạc Thủy: Nâng cấp, xây mới nhà văn hóa thôn, khu dân cư

Trong những năm trở lại đây, việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện Lạc Thủy luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, tỷ lệ thôn, xóm, khu dân cư có nhà văn hóa (NVH) đạt 97,8%, tuy nhiên, số NVH đạt chuẩn theo quy định chỉ đạt gần 50%, còn lại nhiều NVH bị xuống cấp, hư hỏng, thiếu đồng bộ.

Nhà văn hóa thôn Tay Ngai (cũ), nay là nhà văn hóa thôn Ngai Long, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) được xây dựng tại địa điểm trũng, thường xuyên bị ngập, hiện đang đề nghị được xây mới.

Nhà văn hóa thôn Tay Ngai (cũ), nay là nhà văn hóa thôn Ngai Long, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) được xây dựng tại địa điểm trũng, thường xuyên bị ngập, hiện đang đề nghị được xây mới.

Đồng chí Hoàng Mạnh Khỏe, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Sau khi thực hiện sáp nhập thôn, xóm, khu dân cư tại các địa phương, nhiều NVH chưa đảm bảo về quy mô diện tích, trang thiết bị để hoạt động theo quy định. Để khắc phục tình trạng trên, mỗi địa phương căn cứ tình hình thực tế có những giải pháp linh hoạt khắc phục khó khăn trong khai thác, sử dụng NVH sau sáp nhập một cách tối ưu nhất. UBND huyện đã ban hành đề án hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp NVH thôn, khu dân cư trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, các thôn, khu dân cư chưa có NVH hoặc bị xuống cấp, diện tích chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đủ tiêu chuẩn theo tiêu chí NTM, Nhân dân trong thôn, khu dân cư tự nguyện đóng góp xây dựng NVH sẽ được hỗ trợ kinh phí. Ưu tiên những thôn thuộc các xã đăng ký về đích NTM; thôn, khu dân cư sau sáp nhập mà NVH cũ không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu của địa phương. Trong giai đoạn này, huyện dự kiến triển khai sửa chữa 24 nhà, xây mới 47 NVH, mức hỗ trợ từ 30 - 100 triệu đồng/NVH.

Là một trong những địa phương có cách làm điển hình trong việc tận dụng tối đa NVH sau sáp nhập, xã An Bình trước đây có 19 thôn, sau sáp nhập còn 14 thôn. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Ngọc Tú cho biết: Quy mô dân số tăng, các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các NVH đều được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho các thôn sau sáp nhập. Để khắc phục tình trạng trên, với những NVH mới vẫn đảm bảo thì tiếp tục sử dụng, những thôn có NVH cũ, xuống cấp sẽ triển khai sửa chữa hoặc xây mới. NVH thôn Cây Rường (sáp nhập thôn Rộc Dong và Cây Rường) được xây mới, tổng diện tích trên 500 m2, kinh phí 200 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại Nhân dân đóng góp và hiến đất. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, có cách triển khai hiệu quả, việc xây dựng NVH thôn đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân. Hiện tại, NVH thôn Cây Rường đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ngoài ra, trong năm nay, từ nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ và các nguồn xã hội hóa, nhiều thôn đã triển khai xây mới, sửa chữa NVH như các thôn Chợ Đập, Đức Bình, Đại Đồng… Đến nay, cơ bản các thôn đều đã sửa chữa, hoặc xây mới NVH để đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi của người dân địa phương.

Không chỉ xã An Bình, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, sự đồng thuận của Nhân dân và từ các nguồn xã hội hóa, nhiều NVH thôn, xóm, khu dân cư đã được sửa chữa, nâng cấp, xây mới. NVH được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từng bước khai thác, phát huy hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần, nâng cao thể chất của Nhân dân.

Hồng Ngọc

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/147108/huyen-lac-thuy-nang-cap,-xay-moi-nha-van-hoa-thon,-khu-dan-cu.htm