Huyện Lạc Thủy tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp hiệu quả
Những năm gần đây, huyện Lạc Thủy đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy về tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù, nguồn lao động dồi dào, tạo chuyển biến thực chất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Với diện tích tự nhiên 31.358,9 ha, diện tích đất nông nghiệp 22.192,81 ha, chiếm 70,77% diện tích đất tự nhiên. Trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 7.187,7 ha; đất lâm nghiệp 14.514,33 ha; đất nuôi trồng thủy sản 321,27 ha; đất nông nghiệp khác 169,5 ha. Số hộ tham gia sản xuất nông nghiệp 10.087/14.373 hộ, chiếm 70,18%; số lao động nông nghiệp chiếm 77,9% tổng số người lao động trong độ tuổi. Đây là tiềm năng lớn để huyện phát triển các lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Huyện đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 – 2020; thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện đề án; triển khai chính sách hỗ trợ thực hiện phát triển các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, với các chương trình ưu tiên cụ thể để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
Theo đó, các định hướng phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn được triển khai hiệu quả. Về trồng trọt, nhiều giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, đảm bảo ổn định an ninh lương thực và nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi. Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Trồng cây ăn quả có múi, nhãn chín muộn, chuối hàng hóa, thanh long, bí xanh, rau các loại, liên kết trồng dưa chuột bao tử, trồng ớt, hành paro, bí đỏ xuất khẩu. Năm 2020, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác tăng lên 135 triệu đồng. Một số địa phương làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa, tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa như: xã An Bình, Phú Nghĩa, thị trấn Chi Nê… Giá trị sản xuất ngành trồng trọt năm 2020 đạt 453.284 triệu đồng, chiếm 51,3% tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Huyện đã phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các xã, thị trấn (thị trấn Chi Nê, thị trấn Ba Hàng Đồi, xã Đồng Tâm, xã Phú Nghĩa, Khoan Dụ, Thống Nhất...), giá trị sản xuất đạt 351 triệu đồng/năm. Tổ chức các mô hình liên kết sản xuất giữa người dân và các HTX, doanh nghiệp. Phát triển các vùng cây ăn quả, xây dựng nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thủy”; năm 2020 được Cục Sở trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Na Lạc Thủy”; đang xây dựng nhãn hiệu "Chè Sông Bôi"… Ngành chăn nuôi từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại, tập trung phát triển đàn gà, dê, nuôi ong lấy mật… bước đầu có hiệu quả cao. Cùng với đó, lĩnh vực lâm nghiệp có chuyển biến mạnh mẽ. Huyện Lạc Thủy là địa phương đi đầu khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, năng suất bình quân đạt trên 100 m3/ha/chu kỳ. Diện tích trồng rừng gỗ lớn chiếm 45% tổng diện tích trồng rừng hàng năm (chủ yếu là rừng sản xuất, trồng keo chu kỳ khai thác >7 năm). Giá trị sản xuất/ha/năm từ kinh doanh rừng sản xuất đạt 17 triệu đồng. Tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên đạt 46,7%. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 đạt 156.643 triệu đồng, chiếm 18% tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Các ngành nghề, hình thức tổ chức sản xuất liên kết khu vực nông thôn được chú trọng hỗ trợ phát triển. Hiện nay, toàn huyện có gần 3.691 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 5.000 lao động thường xuyên, với mức thu nhập trung bình từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Toàn huyện có 10 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm được công nhận 4 sao, 8 sản phẩm được công nhận 3 sao. Chương trình xây dựng NTM đi vào thực chất. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 8/8 xã, thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 4,03% (giảm trên 2%/năm)...
Huyện đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất theo chuỗi phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo quy hoạch, dựa trên kết quả Đề án xây dựng bản đồ thổ nhưỡng và phân hạng thích nghi đất sản xuất nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giám sát, dự báo, phòng trừ hiệu quả sâu bệnh trên cây trồng. Phát triển các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh theo hướng tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, diện tích khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và trồng rừng mới, với nguyên tắc phát triển rừng để bảo vệ, tạo mọi điều kiện cho các chủ rừng, người dân địa phương tham gia các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng và tạo thu nhập hợp pháp.