Huyện Lạc Thủy tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp
Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Thủy lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định ưu tiên hàng đầu phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.
Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Thủy lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định ưu tiên hàng đầu phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.
Công ty CP bao bì Nakata Việt Nam có vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng, xây dựng nhà xưởng quy mô 2,5 ha tại Cụm công nghiệp (CCN) Phú Thành II từ năm 2022. Ông Trần Minh Ngọc, quản lý công ty cho biết: Công ty có ngành nghề chính là sản xuất các loại bao bì từ hạt nhựa nguyên sinh. Nhà xưởng tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
CCN Phú Thành II có tổng diện tích sau điều chỉnh 71,9 ha. Hiện có 11 nhà đầu tư (NĐT) thứ cấp đã được cấp chủ trương đầu tư với tổng diện tích đề nghị thực hiện dự án 28,32ha, tổng mức đăng ký đầu tư 1.124,79 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 87%. Trong đó, 5 doanh nghiệp (DN) đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định; 6 DN đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng nhà xưởng để đi vào hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, 2 NĐT thứ cấp đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất dự kiến 4,15ha. Đến nay, các DN đi vào hoạt động bước đầu tạo việc làm cho khoảng 300 lao động, thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các DN mới đi vào hoạt động nên các khoản thuế và tiền thuê đất trong thời gian ưu đãi theo quy định củapháp luật.
Huyện Lạc Thủy có 5 CCN được đưa vào quy hoạch phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tổng diện tích quy hoạch 282,25ha; trong đó, 4 CCN đã có quyết định thành lập với tổng diện tích 215,86 ha; lựa chọn được 3 NĐT hạ tầng, có 2 NĐT hạ tầng đã được phê duyệt đầu tư (CCN Đồng Tâm và CCN môi trường công nghệ cao Hòa Bình), đang hoàn thiện các thủ tục thành lập CCN Đồng Tâm II diện tích 66,38 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 626 tỷ đồng. Đến nay, các CCN thu hút được 19 NĐT thứ cấp với tổng diện tích thực hiện dự án 54,28 ha, tổng mức đăng ký đầu tư 1.447,57 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 39,7%.
Để tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng công khai, minh bạch, nhất là các TTHC trong lĩnh vực đăng ký DN, đất đai, xây dựng; thực hiện chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế DN; phối hợp các cơ quan chuyên môn của tỉnh cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh, lợi thế, tiềm năng của địa phương để thu hút đầu tư.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Các nhà máy đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, giải quyết việc làm cho nguồn lao động dồi dào của địa phương. Để tiếp tục hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV và tạo đột phá trong phát triển công nghiệp, thời gian tới, huyện tập trung hoàn thiện, chỉnh trang các CCN hiện có, phát triển các CCN mới đồng bộ với hạ tầng, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của các NĐT.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, trong những năm qua, huyện đặc biệt chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo sức hấp dẫn đối với các NĐT. Bên cạnh đó, huyện không ngừng nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, đẩy mạnh cải cách TTHC, vận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh để kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN đầu tư kết cấu hạ tầng CCN, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các NĐT. Đồng thời, nắm chắc tình hình để kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các DN phát huy tối đa năng lực sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, đưa Lạc Thủy phát triển nhanh, vững chắc, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH.