Huyện Lang Chánh: Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng
Huyện Lang Chánh được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng với các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, như: kiến trúc nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các lễ hội truyền thống đặc trưng của từng dân tộc... Đây là điều kiện thuận lợi để huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân nhằm phát triển du lịch cộng đồng.
Thác Ma Hao (xã Trí Nang) thu hút du khách vào mỗi dịp hè.
Nếu nhắc đến du lịch cộng đồng huyện Lang Chánh, chắc hẳn du khách sẽ nghĩ ngay tới bản Năng Cát, xã Trí Nang. Bản cách trung tâm thị trấn huyện chừng 15 km, có khí hậu mát mẻ quanh năm (nhiệt độ trung bình trong năm từ 15 - 18 độ C). Đây là nơi cư trú của đồng bào Thái, có tổng diện tích tự nhiên 600 ha. Bản Năng Cát được đánh giá là điểm đến có không gian kiến trúc độc đáo hiếm có ở các bản làng vùng cao. Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cho đến nay bản Năng Cát vẫn còn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống mang nét đặc trưng của người Thái, tạo nên một không gian thơ mộng. Đến với bản Năng Cát, du khách được hòa mình vào cuộc sống thường ngày của người dân bản địa. Bản làng nhỏ nhắn, sạch, đẹp đến từng cổng ngõ, người dân thân thiện và hiếu khách là những điểm cộng đầu tiên dành cho điểm đến này. Sau một ngày dài khám phá bản làng, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ngon đặc sắc, thưởng thức rượu siêu men lá, được cùng nhau quây quần bên ánh lửa bập bùng, lắng nghe tiếng khặp Thái, hòa mình vào những điệu múa xòe, dập dìu nhảy theo bước chân của các cô gái Thái...
Cách bản Năng Cát chừng 3 km, du khách sẽ được đến với dòng thác Ma Hao. Ngọn thác được bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh, có độ cao hơn 1.200 km so với mặt nước biển. Đến với thác Ma Hao vào mùa hè, du khách có thể men theo dòng suối để ngắm thác hoặc tắm dưới dòng nước suối trong veo, mát lạnh, nghe âm thanh của thác đổ tựa như những bản nhạc rừng vui nhộn. Cho đến nay, thác Ma Hao là một trong số những thắng cảnh tự nhiên kỳ thú và độc đáo ở tỉnh Thanh. Thắng cảnh này không chỉ có giá trị về mặt cảnh đẹp tự nhiên mà còn có giá trị về lịch sử, văn hóa, trở thành điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn đông đảo du khách.
Trên hành trình đến với Lang Chánh, du khách càng không nên bỏ qua điểm đến chùa Mèo, xã Quang Hiến, ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Theo truyền thuyết kể lại, lúc bấy giờ chùa có tên là chùa Chu, do công chúa nhà Trần là Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếch xây dựng. Chùa có địa thế khá chuẩn mực theo thuyết phong thủy: Có tả thanh long là dãy núi Pù Bằng, hữu bạch hổ là dãy núi Pù Rinh, trước mặt lại có sông Âm chảy qua. Thế đất đẹp đã sinh ra ngôi chùa đẹp nức tiếng trong vùng: “Nhất Hương, nhì Hà, ba Chu” (ý nói nhất chùa Hương, nhì chùa Hà, thứ ba là chùa Chu huyện Lang Chánh).
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có trong phát triển du lịch, năm 2016, tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao đã chính thức được công bố. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Lang Chánh nói riêng và trong tỉnh nói chung. Nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện để du lịch cộng đồng phát triển hơn nữa, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lang Chánh lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020-2025) cũng đã xác định khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh theo hướng chuyên nghiệp là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với sự quan tâm của tỉnh, các ngành chức năng, thời gian qua, huyện Lang Chánh đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến; ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư và kêu gọi đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt... Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh lưu trú du lịch thông qua việc tập huấn, hỗ trợ kiến thức du lịch cộng đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình phụ trợ; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hàng năm.
Năm 2021, huyện Lang Chánh đã công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao, xã Trí Nang. Theo quy hoạch, khu du lịch sinh thái có tổng diện tích 17,4 ha, nằm trên địa bàn bản Năng Cát khoảng 14,3 ha, thác Ma Hao khoảng 3,1 ha, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 113,407 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng với tính chất là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá danh thắng thiên nhiên, gắn với văn hóa cộng đồng người Thái.
Quy hoạch khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao được chia thành 2 phân khu chức năng. Đối với khu vực bản Năng Cát được quy hoạch các hạng mục gồm nhà đón tiếp, nhà điều hành, bãi đỗ xe, khu nhà hàng đặc sản dân tộc, khu vui chơi, hồ nước cảnh quan và khu nghỉ dưỡng ven hồ và hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác (dự báo trung bình khách lưu trú lại khoảng 200 người/ngày, khách du lịch không lưu trú lại trung bình khoảng 100 người/ngày). Đối với khu vực thác Ma Hao bao gồm khu đón tiếp, nhà điều hành, bãi đỗ xe, nhà hàng giải khát, đồ lưu niệm, khu cắm trại, vui chơi ngoài trời, khu dịch vụ thương mại du lịch cộng đồng, khu dịch vụ nghỉ dưỡng, đường giao thông nội bộ và các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác (dự báo trung bình khách lưu trú lại khoảng 100 người/ngày, khách du lịch không lưu trú lại trung bình khoảng 300 người/ngày).
Việc quy hoạch các phân khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao được xây dựng trên cơ sở bảo vệ nguồn “sinh thủy”, cảnh quan, môi trường, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan trên cơ sở tận dụng triệt để ưu thế về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống cây xanh, mặt nước, ruộng bậc thang, đồng thời tạo được sự phù hợp và hài hòa với không gian kiến trúc của các khu vực bản làng hiện hữu, bảo tồn lối sống và kiến trúc truyền thống...
Được biết, ngoài phát triển khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao, huyện Lang Chánh đã và đang tích cực kêu gọi đầu tư khai thác các điểm du lịch khác trên địa bàn như thác Hón Lối, xã Giao Thiện; thác Mây, xã Trí Nang; thác Chiềng Nang, xã Giao An... Đồng thời, gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó từng bước giúp người dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định từ du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.