Huyện Long Phú phát triển nuôi chồn hương sinh sản

Sóc Trăng có hơn 150 hộ nuôi chồn hương (cầy hương), trong đó huyện Long Phú có khoảng 19 hộ nuôi. Đây là loài động vật dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và có giá trị kinh tế cao. Qua 8 năm nuôi chồn hương, ông Lâm Khánh Huy, ấp Trường Bình, xã Trường Khánh (huyện Long Phú) có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Lâm Khánh Huy, ấp Trường Bình, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) nuôi chồn hương thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Lâm Khánh Huy, ấp Trường Bình, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) nuôi chồn hương thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Ngồi trò chuyện cùng ông Huy ngay cạnh chuồng chồn hương, chúng tôi cảm nhận được mùi thơm thoang thoảng rất dễ chịu, phát ra từ khu vực chuồng nuôi. Theo lời ông Huy nếu vào thời điểm chồn chuẩn phối giống, mùi thơm chồn phát ra bay xa đến hàng chục mét.

Mời chúng tôi tham quan khu vực phía sau nhà dành nuôi chồn cái sinh sản, ông Huy tâm tình: “Cuối năm 2017, tôi mua 5 cặp chồn hương (5 con cái, 5 con đực) và làm luôn chuồng nuôi chồn chi phí chưa đến 40 triệu đồng. Sau gần 8 năm nuôi, tôi đã xuất bán hơn 200 cặp và hơn 30 con chồn thịt. Hiện tại, tổng đàn chồn là 80 con, trong đó 37 chồn cái sinh sản, 30 chồn hậu bị, còn lại là chồn đực và chồn con”. Với số chồn cái sinh sản như trên, mỗi năm sinh sản hơn 200 chồn con. Chồn từ lúc sinh sản đến bán giống được là 70 ngày, chồn sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lần sinh sản từ 3 - 5 chồn con; chồn sau sinh 30 ngày sẽ được chồn mẹ tập cho ăn, 60 ngày tuổi sẽ được tách ra khỏi mẹ, nuôi nhốt chuồng riêng và đến 70 ngày tuổi trở lên là bắt đầu xuất bán chồn giống ra thị trường. Giá bán 1 cặp chồn giống sinh sản (1 con đực, 1 con cái) từ 8 - 10 triệu đồng.

“Qua nhiều năm nuôi, tôi thấy nuôi chồn hương ít tốn chi phí, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh, đặc biệt là giá bán rất tốt khi nuôi chồn cho sinh sản để bán con giống. Thức ăn của chồn dễ tìm trong tự nhiên, chủ yếu là các loại trái cây như: mít, chuối, xoài, dưa hấu, cá nước ngọt các loại. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho chồn nuôi tại hộ, tôi cho chồn ăn chủ yếu là chuối xiêm chín được trồng trong vườn nhà; cá trê, cá rô phi nuôi trong ao của gia đình”, ông Huy chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng theo lời ông Huy, chồn hương có tuổi đời hơn 10 năm tuổi. Chồn hương từ lúc mới sinh cho đến lúc cho phối giống để sinh sản từ 9 - 12 tháng. Sau phối giống, chồn mang bầu 2 tháng là sẽ sinh và sau sinh được từ 2 tháng trở lên có thể xuất bán chồn giống. Mặc dù chồn hương là loài vật dễ nuôi nhưng để cho chồn phát triển và sinh sản tốt, người nuôi cần phải vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, chuồng xây dựng thoáng mát và cho chồn ăn thức ăn luôn tươi mới. Đặc tính của chồn là thích sống riêng lẻ nên phải nuôi nhốt riêng từng con và chỉ nhốt chung chồn đực và chồn cái để phối giống trong thời gian ngắn, khi chồn cái có các biểu hiện lên giống. Chồn con sau sinh khi chưa mở mắt cần bú sữa chồn mẹ; đảm bảo giữ ấm chồn con; bổ sung các loại thức ăn và một số chất dinh dưỡng cần thiết cho chồn mẹ để chồn mẹ có nhiều sữa.

Nuôi chồn hương sinh sản bán con giống đã đem lại nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng/năm cho hộ ông Huy. Tới đây, ông Huy sẽ nâng đàn chồn cái sinh sản lên 60 con để đảm bảo số lượng chồn giống cung ứng trên thị trường. Ông Huy còn tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với người dân đã mua con giống chồn do ông sản xuất về hướng dẫn kỹ thuật nuôi chồn, cách xây dựng chuồng nuôi chồn, kể cả hỗ trợ luôn đầu ra đối với chồn giống, chồn thương phẩm.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/huyen-long-phu-phat-trien-nuoi-chon-huong-sinh-san-74564.html