Huyện Mai Châu bảo tồn và phát triển các làng bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Là huyện vùng cao của tỉnh, Mai Châu có 7 dân tộc sinh sống lâu đời, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn huyện đã được gìn giữ, khai thác hiệu quả.

Là huyện vùng cao của tỉnh, Mai Châu có 7 dân tộc sinh sống lâu đời, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn huyện đã được gìn giữ, khai thác hiệu quả.

Năm 2023, tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của dân tộc Thái Mai Châu được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2023, tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của dân tộc Thái Mai Châu được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng nhóm bạn đến tham quan tại điểm DLCĐ bản Lác, xã Chiềng Châu, anh Lê Anh Sơn, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội chia sẻ: Tạm xa ồn ào nơi phố thị, chúng tôi được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên miền núi thơ mộng. Với những cánh đồng vàng óng chuẩn bị vào mùa gặt, bên cạnh những ngôi nhà sàn cộng đồng của bà con dân tộc Thái đã tạo sức hút lớn. Đến đây, chúng tôi được thưởng thức các món ăn truyền thống, được xem các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc, tay trong tay cùng điệu múa sạp khiến du khách không muốn rời xa.

Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Bí thư Huyện ủy Mai Châu cho biết: Phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, nhất là văn hóa dân tộc Thái mang đặc trưng riêng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 10/1/2020 về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 11-KH/HU, ngày 23/9/2020 về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Đề án Phát triển DLCĐ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Châu đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển DLCĐ gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Xác định đây vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu nhằm xây dựng thương hiệu huyện Mai Châu là điểm đến du lịch Hấp dẫn - Thân thiện và An toàn.

Điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với huyện vùng cao Mai Châu là các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Huyện đã thành lập các câu lạc bộ: Bảo tồn và phát triển văn hóa Thái Mai Châu, Khắp Thái, Thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa… Huyện tổ chức Hội thảo nghiên cứu, sưu tầm về phong tục, tập quán của các dân tộc trong huyện, như xuất bản cuốn sách "Tìm hiểu lịch sử - văn hóa người Thái ở Mai Châu”, cuốn "Hợp tuyển văn học dân gian dân tộc Thái huyện Mai Châu”; xuất bản cuốn Tài liệu tuyên truyền, giáo dục lịch sử huyện Mai Châu và cuốn Tài liệu tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ huyện Mai Châu. Xây dựng Khu trưng bày các hiện vật, cổ vật dân tộc Thái. Khôi phục và duy trì tổ chức Lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái và lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; phối hợp tổ chức Phiên chợ Vùng cao. Các trò chơi dân gian Keng loóng, tó lẻ, ném còn, kéo co, đẩy gậy, trang phục truyền thống của các dân tộc… được bảo tồn thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống, trong các dịp cưới, lễ hội. Đặc biệt, năm 2023, tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của dân tộc Thái Mai Châu đã được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó, giúp du khách có trải nghiệm về bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời biến văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tiêu biểu có các làng bản DLCĐ của đồng bào Thái như bản Lác, xã Chiềng Châu; Tổ dân phố Pom Coọng, Tổ dân phố Văn, thị trấn Mai Châu; bản Bước, xã Xăm Khòe; bản Hịch - hay Mường Hịch, xãMai Hịch; điểm DLCĐ tại cácxã Hang Kia, Pà Cò, Nà Phòn, Sơn Thủy, Tân Thành.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; mở tour, tuyến mới; xây dựng các mô hình hoạt động văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh, chú trọng xây dựng mô hình DLCĐ, du lịch văn hóa sinh thái, trong đó văn hóa truyền thống giữ vai trò chủ đạo. Từ nhiều nguồn lực khác nhau, huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp một số hạng mục công trình hạ tầng giao thông, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tồn, phát triển di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, từng bước đáp ứng được nhu cầu du khách đến tham quan, tìm hiểu. Hiện, trên địa bàn huyện có 5 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được Bộ VH-TT&DL công nhận. Toàn huyện có 197 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 4 khu nghỉ dưỡng, 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 - 3 sao, 31 cơ sở nhà nghỉ, 153 nhà nghỉ cộng đồng. Tháng 7/2020, huyện Mai Châu được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh. Năm 2022, 2023, Mai Châu lọt Top 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam do chuyên trang đặt phòng nổi tiếng Booking.com công bố. Năm 2023, toàn huyện đón trên 656.700 lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 84.130 lượt, tổng doanh thu 672.938 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2024, huyện đón 494.160 lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 102.180 lượt, tổng doanh thu ước đạt 592.973 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Bí thư Huyện ủy Mai Châu cho biết thêm: Trong bối cảnh hiện nay, phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và KT-XH nói chung. Với kế hoạch và định hướng cụ thể, cùng sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc huyện Mai Châu được bảo tồn và phát triển, hình thành những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, sẽ góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/194651/huyen-mai-chau-bao-ton-va-phat-trien-cac-lang-ban-du-lich-gan-voi-gia-tri-van-hoa-truyen-thong.htm