Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.
Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.
Theo thống kê của TTYT huyện, những năm gần đây, tỷ số GTKS toàn huyện giảm chậm và vẫn ở mức cao, giữ mức 370 trẻ em trai/299 trẻ em gái; tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm trên 20%. Một số xã trên địa bàn huyện tỷ số GTKS không ổn định, ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Trước thực trạng đó, TTYT huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số, trong đó chú trọng thực hiện đề án "Kiểm soát MCBGTKS” tại các xã, thị trấn. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đã triển khai đề án.
Đồng chí Sùng A Chả, Trạm trưởng Trạm y tế xã Pà Cò cho biết: Nhằm đảm bảo cân bằng giới tính trên địa bàn xã, trạm y tế đã tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tới các gia đình. Phối hợp các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa, hội thi bằng hình thức sân khấu hóa, giao lưu với học sinh, giáo viên về nội dung bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của MCBGTKS..., giúp học sinh hiểu được hệ lụy MCBGTKS và trở thành tuyên truyền viên đối với gia đình về lĩnh vực này.
Để đề án triển khai hiệu quả, TTYT huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân số; quy định việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. Tổ chức các buổi tuyên truyền, cung cấp kiến thức nâng cao nhận thức người dân về MCBGTKS. Đồng thời thành lập các câu lạc bộ (CLB) "Giới và bình đẳng giới" tại 16 xã, thị trấn, mỗi CLB thu hút gần 50 thành viên tham gia. Thông qua CLB, gần 1.000 hội viên được tuyên truyền về các chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan...
Chị Sùng Thị Mái, xóm Pà Cò Lớn, xã Pà Cò chia sẻ: Tôi sinh 2 lần được 3 cháu gái. Trước đây gia đình cũng muốn sinh thêm con trai nhưng được cán bộ xã vận động, vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm để dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy các con tốt hơn và có điều kiện phát triển kinh tế. Hiện nay cháu lớn đang theo học tại trường dân tộc nội trú huyện, 2 cháu còn lại học gần nhà.
Sau khi triển khai đề án "Kiểm soát MCBGTKS”, Trạm y tế xã Pà Cò phối hợp Hội LHPN xã lồng ghép nội dung về chính sách dân số, kiểm soát MCBGTKS vào nội dung sinh hoạt hội. Cán bộ dân số xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những hộ sinh con một bề là gái về thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số, chính sách dân số, quy mô gia đình ít con, bình đẳng giới.
Đồng chí Lường Thúy Hòa, Phó Giám đốc TTYT huyện Mai Châu cho biết: Xác định công tác truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát MCBGTKS, trung tâm đã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông, tư vấn trực tiếp tại trạm y tế và hộ gia đình, trường học về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, nhất là tại những địa phương có tỷ lệ MCBGTKS cao. Cùng với đó, TTYT huyện phân công cán bộ tham gia giám sát, hỗ trợ các hoạt động truyền thông tại địa phương; phát tờ rơi về chủ đề MCBGTKS cho các xã, thị trấn; tổ chức chiến dịch truyền thông về MCBGTKS trên địa bàn huyện.
Để kiểm soát MCBGTKS, nâng cao chất lượng dân số, huyện Mai Châu tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản để nâng cao nhận thức, loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ của một bộ phận người dân; triển khai hiệu quả các đề án về kiểm soát MCBGTKS; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về dân số tại các cơ sở y tế, cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi; đưa nội dung giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới vào chương trình giáo dục trong và ngoài nhà trường.