Huyện Mai Châu: Quan tâm chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số

Tích cực, chủ động triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Mai Châu được cải thiện, nhất là hộ dân thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Your browser does not support the audio element.

Từ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều mô hình sinh kế đã giúp người dân xã Mai Hạ, huyện Mai Châu ổn định đời sống.

Từ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều mô hình sinh kế đã giúp người dân xã Mai Hạ, huyện Mai Châu ổn định đời sống.

Theo UBND huyện Mai Châu, trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo các ngành lồng ghép các chương trình, huy động tốt chính sách an sinh xã hội, nguồn lực để tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các phòng, ban chủ động hướng dẫn triển khai kịp thời, đồng bộ các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, 135... Từ năm 2016 đến nay, tổng số vốn được bố trí và huy động để thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đạt 12.475 triệu đồng. Trong đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các hộ dân, đã hỗ trợ 830 hộ mua gia súc chăn thả trị giá 3.899 triệu đồng; hỗ trợ mua gia cầm với tổng vốn đầu tư hơn 1.877 triệu đồng, cho 971 hộ hưởng lợi; hỗ trợ nuôi cá lồng cho 118 hộ; hỗ trợ các loại cây giống mang lại giá trị kinh tế cao, hỗ trợ mua phân bón, máy móc phục vụ sản xuất. Đồng chí Sùng A Chênh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Từ nguồn vốn hỗ trợ, các cấp Hội, đoàn thể đã vào cuộc xây dựng mô hình giảm nghèo hiệu quả như mô hình chăn nuôi bò tại 6 xã vùng cao của huyện với 192 hộ nghèo, cận nghèo tham gia, hưởng lợi.

Song song với công tác hỗ trợ sản xuất, từ nguồn vốn của các chương trình, huyện đầu tư xây dựng được 101 công trình giao thông, điện, trường, trạm. Những công trình thuộc các xóm vùng sâu, xa, có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Nhiều công trình đem lại hiệu quả trong việc phục vụ sản xuất, dân sinh tại các xóm đặc biệt khó khăn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Thực hiện chương trình khuyến nông, ngành chức năng của huyện đã hỗ trợ đồng bào DTTS trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang canh tác rau màu; hỗ trợ phát triển chăn nuôi, đồng thời, xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc để thu hút khách du lịch, như mô hình homestay của đồng bào Mông xã Pà Cò, Hang Kia. Nhờ có vốn hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ nhà ở, lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm cũng được UBND huyện quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các trường vùng DTTS tập trung nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh DTTS. Nhờ đó, chất lượng học sinh vùng DTTS được nâng lên, hàng năm, tỷ lệ lên lớp đạt trên 99%; tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS trên 99,5%.

Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và ý thức vươn lên của đồng bào DTTS, đời sống bà con từng bước được nâng cao. Thu nhập bình quân vùng đồng bào DTTS tăng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 21,8% năm 2016 giảm còn 12,56% năm 2020. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Đồng bào DTTS tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/158813/huyen-mai-chau-quan-tam-cham-lo-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm