Huyện Mèo Vạc chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ
Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang, cách trung tâm tỉnh hơn 150km. Toàn huyện có 17 dân tộc sinh sống, trong đó nhiều nhất là dân tộc Mông chiếm 80,19%. Với đặc thù nhiều dân tộc cùng chung sống ở các xã, thị trấn, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS); vừa bảo đảm về chất lượng vừa cân đối về cơ cấu, số lượng, thành phần dân tộc.
Là người sinh ra, lớn lên nơi trùng trùng điệp điệp núi đá và trưởng thành qua nhiều vị trí công tác trong hệ thống chính trị huyện Mèo Vạc nên hơn ai hết, đồng chí Vương Thị Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện nắm rất chắc tình hình địa bàn, nhất là trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ huyện. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vương Thị Thủy chia sẻ những thông tin đáng mừng.
Theo chị Thủy, từ nhiều nhiệm kỳ nay, Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện rất quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Nhờ đó đến nay, cán bộ là người DTTS ở các cơ quan thuộc khối Huyện ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội huyện chiếm 63,7%. Trong đó, ở tất cả các phòng, ban đều có cán bộ chủ chốt là người DTTS. Đặc biệt, công tác tạo nguồn cán bộ quản lý nữ người DTTS được quan tâm thực hiện, hiện toàn huyện có 8 cán bộ nữ là người DTTS giữ các chức vụ từ cấp phó trở lên. Việc bố trí, lựa chọn cán bộ phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức đảng, bảo đảm tính ổn định lâu dài và có sự kế thừa, chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ.

Đồng chí Vương Thị Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) thăm, kiểm tra mô hình trồng cây sâm đất tại xã Lũng Pù.
Đồng chí Sùng Mí Lử, Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mèo Vạc nhấn mạnh thêm, với đặc thù trên địa bàn huyện có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, để bảo đảm cân đối về cơ cấu, số lượng cán bộ giữa các dân tộc, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/HU ngày 2-8-2019 về phát triển nguồn cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mèo Vạc giai đoạn 2019-2025 và các năm tiếp theo. Mục tiêu của nghị quyết phấn đấu đến năm 2025, các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và các xã, thị trấn có ít nhất 1 cán bộ lãnh đạo và 1 công chức, viên chức là người dân tộc Mông trở lên; 100% cán bộ, công chức cấp huyện, 80% trở lên cán bộ, công chức cấp xã (là người dân tộc Mông) có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị trung cấp trở lên.
Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, đến nay, Mèo Vạc đã từng bước bố trí hài hòa cán bộ là người Mông nói riêng và cán bộ người DTTS nói chung trong các cơ quan của Đảng, cơ quan hành chính Nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là cán bộ cấp xã và cơ cấu tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND các cấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Hằng năm, Huyện ủy Mèo Vạc luôn quan tâm cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp... Qua đó từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm cũng như yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù về điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư nên công tác tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS của huyện Mèo Vạc cũng gặp không ít khó khăn. Theo đồng chí Vương Thị Thủy, nguồn tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của huyện còn thiếu, nhất là nguồn cán bộ người DTTS, người địa phương. Đặc biệt, số cán bộ người dân tộc Mông còn ít, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số nên ở một số xã gặp nhiều khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền, vận động đồng bào... Vì vậy, nếu có chính sách đặc thù về công tác cán bộ vùng đồng bào DTTS, nhất là xác định cụ thể tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy, chính quyền tương đương với tỷ lệ dân số thì sẽ rất thuận lợi cho địa phương trong công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ.
Chia sẻ về những bước đi tiếp theo để có thể xây dựng, tạo nguồn cán bộ là người DTTS cho huyện, đồng chí Sùng Mí Lử phấn khởi cho hay: Hiện nay, toàn huyện có một lực lượng tương đối đông sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và trở về địa phương. Ban Tổ chức Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch và tham mưu cho Huyện ủy có cơ chế khuyến khích, động viên, tuyển chọn đối tượng này tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Bước tiếp theo là lựa chọn những người có năng lực, sở trường để giới thiệu bầu giữ các chức danh chủ chốt của thôn như bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch để tạo nguồn cán bộ cho xã, huyện...