Khối ngoại mua ròng mạnh, VN-Index tăng vượt ngưỡng 1.220 điểm
Bên cạnh việc VN-Index tăng điểm mạnh mẽ, một trong những chỉ dấu cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán là khối lượng mua ròng của khối ngoại.

Màu xanh bao phủ thị trường trong phiên VN-Index tăng hơn 54 điểm.
Tiếp nối phiên tăng 74 điểm ngày hôm trước, chỉ số VN-Index bật tăng hơn 70 điểm ngay từ những phút đầu phiên 11/4 với màu tím tràn ngập thị trường. Tuy nhiên áp lực chốt hàng mạnh hơn hẳn so với phiên hôm qua, nhanh chóng thu hẹp biên độ tăng điểm của VN-Index.
Sau khi chốt phiên ATO, chỉ số VN-Index chỉ còn tăng xấp xỉ 18 điểm, tương ứng mức giảm 52,5 điểm so với thời điểm đầu phiên ATO. Tốc độ giảm nhanh chóng của VN-Index khiến nhiều nhà đầu tư chủ đồng chốt hàng.
Vào lúc 9h40, chỉ số chạm đáy phiên, đạt 1.180,59 điểm, mức tăng giảm về chỉ còn 12,25 điểm so với tham chiếu. Đây cũng là lúc lực cầu tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm VN30, tạo động lực đưa chỉ số đi lên mạnh mẽ.
Tạm nghỉ phiên sáng, VN-Index dừng ở mức 1.195,09 điểm, tăng 26,75 điểm, tương đương 2,29% so với tham chiếu. VN30 tiếp tục là trụ đỡ cho thị trường, khi bản thân VN30-Index còn tăng cao hơn VN-Index với tỷ lệ 2,78% với 23 mã tăng/6 mã giảm.
Đà tăng của thị trường tiếp tục được củng cổ sau giờ nghỉ trưa, VN-Index chỉ mất 10 phút để chinh phục ngưỡng 1.200 điểm và giành phần còn lại của phiên chiều giao dịch trên ngưỡng này.

Diễn biến VN-Index phiên 11/4. Ảnh: SSI Iboard
Càng về cuối phiên, lực mua vào càng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 54,12 điểm, tương đương 4,63% lên 1.222,46 điểm. Khác với hôm qua, thanh khoản thị trường đã không còn đóng băng do nguồn cung nhỏ giọt. Phiên này sàn HOSE ghi nhận 1,735 tỷ cổ phiếu giao dịch khớp lệnh, tương đương 38.161 tỷ đồng, cao lần lượt gấp 4,69 lần và 6 lần so với ngày 10/4.
VN30-Index tăng ấn tượng hơn cả VN-Index, khi tăng 4,85% lên vượt ngưỡng 1.300, đạt 1.309,94 điểm. Cả nhóm có tới 5 mã tăng trần, bao gồm HPG, VIC, STB, MWG và GAS, bên cạnh hàng loạt cổ phiếu tăng trên 5% như FPT (5,24%), BVH (5,26%), TPB (5,6%), BID (5,91%), MSN (6,13%), CTG (6,22%), MBB (6,35%), HDB (6,43%), SSI (6,59%), VCB (6,6%), ACB (6,65%), PLX (6,8%).
Top 10 mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index đều tới từ VN30, bao gồm VCB, VIC, BID, CTG, HPG, TCB, GAS, FPT, MBB và VHM, trực tiếp góp thêm vào chỉ số tới 28,6 điểm.
Ở chiều ngược lại, SSB (-3,15%) và BCM (-1,65%) là 2 mã duy nhất giảm điểm. Dù vẫn giảm tương đối lớn, tỷ lệ giảm 1,65% của BCM tích cực hơn nhiều mức giảm sàn trắng bên mua tại cuối phiên sáng. Phiên này, BCM có tổng cộng 3,365 triệu cổ phiếu khớp lệnh, cao hơn nhiều thanh khoản vài trăm nghìn đơn vị những phiên gần đây.
Liên quan đến diễn biến của cổ phiếu BCM, HĐQT Becamex IDC vừa thông qua nghị quyết tạm hoãn đợt chào bán thêm 300 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ.
Theo nghị quyết HĐQT của Becamex IDC, lý do tạm hoãn đợt chào bán là “nhằm đảm bảo lợi ích của công ty và cổ đông trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi cho đợt chào bán”.
Khối ngoại quay lại mua ròng mạnh
Bên cạnh sự gia tăng cả về điểm số lẫn thanh khoản, một điểm tích cực khác của phiên giao dịch ngày 11/4, là đà mua ròng của khối ngoại.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 5.516 tỷ đồng và bán ra 4.545 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 971 tỷ đồng trên sàn HOSE. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 9/2024, khối ngoại mua ròng vượt 900 tỷ đồng trên sàn HOSE, đồng thời là phiên mua ròng mạnh nhất kể từ ngày 18/7/2024.
Sau khi bị bán ròng mạnh những phiên gần đây, cổ phiếu HPG và MBB được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tới 416 tỷ đồng và 249,5 tỷ đồng, theo sau là những mã lớn của VN30 như VIC (160 tỷ đồng), ACB (152 tỷ đồng), FPT (116,36 tỷ đồng), MWG (112 tỷ đồng), TCB (111 tỷ đồng), SAB (73 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, SSI (-133 tỷ đồng) cùng với bộ 3 ông lớn khu công nghiệp là IDC (-120,75 tỷ đồng), (KBC (-95,17 tỷ đồng) và SIP (-77,8 tỷ đồng) là những cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất.