Huyện miền núi Hà Tĩnh đảm bảo nguồn nước vụ hè thu
Những ngày qua, trên khắp đồng ruộng ở Hương Khê (Hà Tĩnh), nông dân và công nhân thủy lợi đang khẩn trương nạo vét kênh mương, đón nguồn nước phục vụ sản xuất hè thu.
Công nhân trạm khai thác thủy lợi sông Tiêm nạo vét kênh dẫn nước tại xã Hương Vĩnh.
Trên cánh đồng xã Hương Vĩnh, hàng chục công nhân đang tích cực nạo vét các tuyến kênh chính, đảm bảo dẫn nước gieo cấy lúa hè thu trên địa bàn. Ông Nguyễn Xuân Thành - Trạm trưởng Trạm Khai thác thủy lợi sông Tiêm (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) cho biết: Đến nay, trạm đã hoàn thành nạo vét khoảng 20 km kênh, mương. Thời gian gấp rút, chúng tôi phải huy động 100% lực lượng cùng tham gia. Cùng với đó, phối hợp với lao động địa phương để tu sửa kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo đủ nước phục vụ nông dân sản xuất. Dự kiến đến cuối tuần này, công tác nạo vét thủy lợi sẽ cơ bản hoàn thành.
Trạm khai thác thủy lợi Đá Hàn cũng huy động 100% lực lượng tích cực nạo vét kênh, mương thủy lợi thuộc đơn vị quản lý.
Ghi nhận tại địa bàn, những ngày qua có nhiều trận mưa giông, các hồ, đập thủy lợi hiện đang có mực nước cao, đạt khoảng 80% dung tích, bằng 130% so với năm 2020, hoàn toàn đảm bảo việc tưới tiêu trong vụ hè thu.
Anh Mai Tiến Dũng tích cực nạo vét mương nối để dẫn nước vào ruộng.
Cùng với đó, một số địa phương cũng huy động nông dân sẻ phát, nạo vét kênh mương, đặc biệt đối với các kênh nối dẫn nước vào ruộng. Anh Mai Tiến Dũng (thôn 3, xã Phúc Trạch) chia sẻ, thôn, xã không tổ chức ra quân rầm rộ nhưng mỗi người dân chúng tôi chủ động phát quang, dọn dẹp các con mương nối để đảm bảo dẫn nước ở những khu vực gần ruộng của mình. Do vụ xuân không có lũ lụt, đất, đá ít bồi đắp nên công việc thuận lợi, nhanh chóng.
Người dân giữ nước tại ruộng sau khi thu hoạch để vừa làm mềm đất vừa tiết kiệm nước.
Là địa phương có thời tiết hạn hán khắc nghiệt, trước mỗi vụ sản xuất hè thu, ngay từ khi xây dựng kế hoạch sản xuất, UBND huyện Hương Khê đã chủ động các phương án để phòng, chống hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo phương án chống hạn của huyện Hương Khê, ngay cả trong kịch bản các tháng 5,6,7,8, lượng mưa chỉ đạt 50% so với trung bình nhiều năm thì các hệ thống thủy lợi vẫn cơ bản cấp đủ nước tưới cho 2.317,89 ha lúa thuộc khu tưới của các công trình thủy lợi đảm nhận. Trong điều kiện thời tiết bất lợi như nắng nóng, nhiệt độ cao, lượng mưa thấp… thì các địa phương phải tập trung chống hạn cho khoảng 762,80 ha (diện tích còn lại có thể chủ động nước).
Đến nay, phần lớn các hồ, đập chứa nước trên địa bàn huyện Hương Khê có mực nước cao, từ 70 - 80 % so với dung tích thiết kế, đảm bảo lượng nước tưới trong vụ hè thu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết, ngay từ trong thời gian thu hoạch lúa xuân, huyện đã đề nghị các địa phương tuyên truyền người dân giữ nước tại mặt ruộng sau khi thu hoạch để tiết kiệm nước tối đa cho vụ hè thu.
Hiện nay, các đơn vị thủy lợi và địa phương đang tập trung nạo vét, khơi thông các hệ thống kênh tưới, kênh dẫn trạm bơm, kiên cố hóa kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước mặt ruộng, tránh thất thoát nguồn nước; chuẩn bị máy bơm dã chiến để đảm bảo hoạt động bơm nước phục vụ sản xuất.
Phần lớn kênh tưới đã được nạo vét sạch sẽ, sẵn sàng đón nước phục vụ nông dân làm ruộng, gieo cấy vụ hè thu.
Trong mùa vụ, các địa phương phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để vận hành tích nước cho các hồ chứa; quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, ao, vùng trũng. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, cân đối nguồn nước hợp lý, tiết kiệm để đảm bảo cấp nước suốt vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân.
Ngoài ra, huyện cũng đã có kế hoạch và chỉ đạo các địa phương tập trung khai thác các nguồn nước khe suối; huy động các nguồn lực để đảm bảo nước phục vụ nước cho sinh hoạt, cho phát triển chăn nuôi và cho sản xuất của các loại cây trồng.
Định hướng sản xuất vụ hè thu năm 2021, huyện Hương Khê phấn đấu sản xuất 2.100 ha lúa, năng suất: 32,8 tạ/ha, sản lượng: 6.888 tấn. Bên cạnh đó, sản xuất 1.000 ha đậu; 250 ha vừng; 270 ha rau; 70 ha lạc; 750 ha ngô, trong đó diện tích ngô lấy hạt là 350 ha, ngô sinh khối, ngô nếp lấy bắp là 400 ha.