Huyện Mường Nhé 20 năm xây dựng và phát triển
Nguyễn Quang Hưng Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường NhéĐBP - Cách đây 20 năm, ngày 14/1/2002, huyện Mường Nhé được thành lập theo Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới 4 xã của huyện Mường Tè và 2 xã của huyện Mường Lay. Khi thành lập, huyện Mường Nhé có 250.790ha và 25.517 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn 6 xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong, Chà Cang, Nà Hỳ.
Huyện Mường Nhé ngày nay được đầu tư, xây dựng khang trang, hiện đại hơn. Ảnh: Mai Phương
Ngày 9/9/2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu ban hành Quyết định số 570-QĐ/TU, về việc thành lập Đảng bộ huyện Mường Nhé trực thuộc Tỉnh ủy Lai Châu, bao gồm các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc ở 6 xã và các cơ quan khối Đảng, khối chính quyền, khối đoàn thể huyện Mường Nhé, các cơ sở Đảng thuộc cơ quan Trung ương, cơ quan của tỉnh đóng chân trên địa bàn huyện Mường Nhé.
Năm 2006 và 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2006/NĐ-CP “Về việc thành lập xã thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên” và Nghị định số 17/NĐ-CP “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập xã thuộc huyện Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên”. Theo đó, 9 xã được thành lập và sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Mường Nhé có 16 đơn vị hành chính xã trực thuộc.
Ngày 25/8/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Điện Biên”. Theo đó, thành lập các thuộc huyện Mường Nhé và huyện Nậm Pồ. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Mường Nhé còn lại 11 xã với diện tích tự nhiên 157.372,63ha và 32.977 nhân khẩu.
Được xác định là huyện vùng cao biên giới xuất phát điểm rất thấp, từ 6 xã nghèo ở một tỉnh miền núi, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn, hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn lạc hậu; thời điểm mới thành lập đi vào hoạt động huyện đang ở địa điểm tạm xã Chà Cang (nay là xã thuộc huyện Nậm Pồ) . Kinh tế kém phát triển, tự thu ngân sách trên địa bàn thấp, chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp của trung ương, của tỉnh; trình độ dân trí thấp, đại bộ phận nhân dân chưa được tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần; đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 80%. Tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, các phòng, ban, đoàn thể và cơ sở còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cũng như biên chế cán bộ. Năm 2006 huyện chuyển về trung tâm chính thức hiện tại.
Trước những khó khăn về nhiều mặt, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé đã đoàn kết một lòng, vừa tập trung phát triển sản xuất, vừa đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của một huyện miền núi biên giới. Sau 20 năm với 5 kỳ đại hội bằng trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, việc xác định đúng và kịp thời điều chỉnh cơ cấu kinh tế hợp lý trong từng giai đoạn nên đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của huyện. Cùng với sự ủng hộ, nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường Nhé đã vượt khó khăn, giành được những thành quả phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Kinh tế phát triển ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt 1.318 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2003 đạt 2.040.000 đồng/người/năm, đến năm 2021 đạt 23.460.000 đồng/người/năm. Hệ thống giao thông phát triển nhanh, mở mới và xây dựng nhiều tuyến đường, đến nay toàn huyện có khoảng 295km đường giao thông. Đường giao thông nông thôn, các khu dân cư, các trục đường xã, bản trên địa bàn toàn huyện cơ bản được cứng hóa. Nguồn lưới điện quốc gia đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, đến nay đã có 93% hộ dân được dùng điện, tăng 75% so với năm 2005 (18%). Các mặt văn hóa - xã hội luôn được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực qua từng năm. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thường xuyên được quan tâm. Các chương trình mục tiêu y tế được triển khai thực hiện đúng kế hoạch. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai thực hiện tốt. Đến nay có 90% xã được phủ sóng phát thanh, 100% xã có nhà văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm, còn 60,08% năm 2021.
Công tác quốc phòng - an ninh được quan tâm. Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, ổn định. Lực lượng vũ trang huyện được chú trọng xây dựng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội khu vực ngoại biên, tuyến biên giới, nội địa, địa bàn trọng điểm, phức tạp, bảo vệ vững chắc các mục tiêu quan trọng, địa bàn trọng điểm, bảo đảm an toàn các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và địa phương.
Công tác đối ngoại được tăng cường mở rộng. Mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các huyện, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh ngày càng phát triển, với các huyện giáp biên của nước bạn Lào, Trung Quốc.
Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thực hiện tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng không ngừng được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, với 20 tổ chức cơ sở đảng, 365 đảng viên năm 2002, đến nay Đảng bộ huyện đã có 46 tổ chức cơ sở đảng với 2.564 đảng viên. Hàng năm có trên 80% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức Đảng yếu kém; 85% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên; công tác dân vận của Đảng được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả.
Đảng bộ thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đến nay có trên 70% cán bộ, công chức, viên chức của huyện có trình độ đại học trở lên; 13,8% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; trên 54% cán bộ công chức cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng và gần 60% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
Hoạt động của HĐND, UBND từ huyện tới cơ sở thường xuyên được củng cố kiện toàn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đã chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết lãnh đạo của Huyện ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy được vai trò tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền vận động nhân dân hăng hái tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội... góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng huyện Mường Nhé như ngày hôm nay.
Ghi nhận những thành tựu đạt được trong 20 năm qua, huyện Mường Nhé đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương các hạng; được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tặng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen.
Nhìn lại chặng đường 20 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, tuy còn có những mặt tồn tại, hạn chế, song huyện Mường Nhé luôn cố gắng đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, ngày một ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.