Huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh: Nơi nhà trường và nông dân sẽ làm du lịch

Trong tương lai không xa, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sẽ hình thành những nền móng đầu tiên của một đô thị du lịch mang đậm bản sắc văn hóa gắn với 'Truyện Kiều', Nguyễn Du và ca trù Cổ Đạm, ngành Giáo dục đang được giao sứ mệnh sẽ cùng người nông dân chân lấm tay bùn chuẩn bị cho một nền tảng cực kì quan trọng.

Học sinh Trường tiểu học Tiên Điền tham gia Ngày hội tiếng hát dân ca. Ảnh: Quốc Hiệp

Học sinh Trường tiểu học Tiên Điền tham gia Ngày hội tiếng hát dân ca. Ảnh: Quốc Hiệp

Phải là văn hóa

"Xây dựng nông thôn mới nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân là điều chắc chắn rồi nhưng Nghi Xuân phải khác: Làm kinh tế dựa trên văn hóa và phải là văn hóa phải đủ đặc sắc để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững" - ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân chia sẻ về những ý tưởng táo bạo về "cái riêng" của quê hương Nguyễn Du - "Trong tương lai không xa, Nghi Xuân sẽ hình thành những nền móng đầu tiên của một đô thị du lịch mang đậm bản sắc văn hóa gắn với "Truyện Kiều", Nguyễn Du và ca trù Cổ Đạm. Ngành Giáo dục đang được giao sứ mệnh sẽ cùng người nông dân chân lấm tay bùn chuẩn bị cho một nền tảng cực kì quan trọng, đấy là ngay từ bây giờ phải cùng các nghệ nhân dân gian và ngành văn hóa xây dựng được đội ngũ thành thạo các làn điệu dân ca ví, giặm, các trò Kiều như ngâm, lẩy, ngâm vịnh Kiều ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, hầu hết các em học sinh ở Nghi Xuân đều có thể trở thành hướng dẫn viên bản địa cho du khách khi đến bất kì địa điểm du lịch cộng đồng nào trong huyện".

Đúng như ông Nguyễn Hải Nam giới thiệu, "bước chân vào Nghi Xuân sẽ là hiện đại nhưng bất kể vị trí, góc nhìn nào cũng đều là câu chuyện về văn hóa". Chúng tôi đã được chứng minh bằng những hình ảnh trên thực tế. Ngay từ QL1A rẽ theo đường trục chính của huyện, từ cổng chào với ý tưởng vòng tay chào đón và trang sách Kiều mở ra đón du khách đến cột đèn, bóng đèn hay pano áp phích đều có nét riêng khác biệt gợi hồn cốt của "Truyện Kiều" và ca trù Cổ Đạm, hay cửa Hội Thống, hoặc bến Giang Đình... Khu đô thị Xuân An Green Park ngay cửa ngõ huyện hiện đại nhưng cũng in đậm dấu ấn văn hóa riêng của Nghi Xuân.

Về Nghi Xuân, đến bất kỳ một xã nào đều được nghe, được thấy, được cảm nhận câu chuyện về văn hóa, câu chuyện về một tương lai đón khách du lịch từ những cụ ông, cụ bà hay những người nông dân đang chân lấm tay bùn mà tình cờ gặp ven đường. Trong câu chuyện ấy, họ không thể không nhắc đến những em học sinh học hát ví giặm, ca trù, lẫy Kiều, trò Kiều...

Sứ mệnh ngoài bục giảng

Học sinh Trường tiểu học Tiên Điền nhận giải tại cuộc thi Đọc thuộc truyện Kiều do huyện Nghi Xuân tổ chức. Ảnh: quốc hiệp

Học sinh Trường tiểu học Tiên Điền nhận giải tại cuộc thi Đọc thuộc truyện Kiều do huyện Nghi Xuân tổ chức. Ảnh: quốc hiệp

Câu chuyện về xây dựng quê hương đậm chất văn hóa để làm du lịch không chỉ là câu chuyện của lãnh đạo huyện, của các doanh nghiệp hay người nông dân mà nó được khắc họa đậm nét từ các nhà trường ở Nghi Xuân.

Ông Nguyễn Xuân Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết: "Trường có Câu lạc bộ hát dân ca thường xuyên hoạt động với 26 thành viên là hạt nhân tích cực trong các hoạt động ngoại khóa như: Lẫy Kiều, trò Kiều, hát ví giặm, đặc biệt là ca trù. Ngoài ra CLB là hạt nhân của các chương trình văn hóa lớn của huyện, nhất là các sự kiện của Khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, ca trù Cổ Đạm để phục vụ lễ hội và du khách thập phương".

Tại Trường Tiểu học Thị trấn Tiên Điền, bà Trần Thị Ngọc Xuyến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hướng tới kỉ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du, trường chúng tôi nằm trong chương trình trọng điểm bởi không chỉ là trường của quê hương Đại thi hào mà điều đặc biệt hơn, trong khuôn viên trường có nhà lưu niệm của gia đình cụ nên huyện đầu tư nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường và khôi phục xây dựng nhà của gia đình Đại thi hào với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng".

Hầu hết các trường trong huyện Nghi Xuân đều có CLB dân ca- Ví dặm. Ảnh: Quốc Hiệp

Hầu hết các trường trong huyện Nghi Xuân đều có CLB dân ca- Ví dặm. Ảnh: Quốc Hiệp

Hỏi về những hoạt động của nhà trường trong việc thực hiện sứ mệnh xây dựng văn hóa ở địa phương, bà Xuyến cho biết thêm: "Nhà trường thường xuyên phối hợp mời các nghệ nhân dân gian Nguyễn Ban, gia đình nghệ nhân trò Kiều nức danh ông bà Nguyễn Mậu và Lê Thị Phương để hỗ trợ, giảng dạy cho các CLB văn hóa dân gian của trường và các lớp, thực sự, các nghệ nhân như là giáo viên cơ hữu của nhà trường. Nhờ thế, trong những năm qua, học sinh nhà trường đạt rất nhiều giải cao trong các hội thi hát dân ca, ví, giặm. Điều đặc biệt, nhà trường không chỉ có các hạt nhân là học sinh mà còn có nhiều phụ huynh cùng đồng hành.

Về việc dạy ca trù, cô giáo Phạm Thị Thanh Tú, giáo viên Âm nhạc nhà trường cho biết: "Thật sự khó, bản thân em cũng phải đi học. Với học sinh tiểu học, chỉ có thể cho các em làm quen với một số dụng cụ ca trù như: Đàn đáy, thanh phách…; các khái niệm cơ bản như: Luyến, láy, nhả chữ, âm vang, âm rền... Những khái niệm ấy sẽ giúp ích cho các em rất nhiều khi cùng học với các nghệ nhân dân gian ở địa phương".

Để chứng minh việc chủ động sẵn sàng cho "sứ mệnh ngoài bục giảng", ông Võ Minh Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn chủ động bởi mặc dầu là hoạt động ngoài bục giảng nhưng đó là phát triển văn hóa, đó là hình thành nhân cách cho học sinh thì đích thị là nhiệm vụ của nhà trường. Hạt nhân của ngành là 60 giáo viên âm nhạc và Tổng Phụ trách Đội và hàng chục giáo viên văn hóa có năng khiếu và niềm đam mê. 100% các trường trong huyện đều có CLB dân ca, tiêu biểu như: Tiểu học Tiên Điền, tiểu học Xuân Phổ, tiểu học Cổ Đạm, tiểu học Xuân Giang, THCS Thành Mỹ... Nhiều giáo viên được xem là nghệ nhân như: Nguyễn Thúy Diễm (THCS Thành Mỹ), Lê Thị Tình (THCS Lam Hồng). Ngoài hàng nghìn học sinh thông thuộc các làn điệu dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh, điều đáng quý bước đầu có nhiều em đã hát được ca trù như: Nguyễn Thị Quỳnh Như (lớp 8H), Nguyễn Thị Yến Ngọc (lớp 8C), Trần Thị Thanh Huyền (lớp 9I) - Trường THCS Hoa Liên; Lê Thị Linh Nhi (THCS Cương Gián); Nguyễn Khánh Tâm, Trần Thị Thu Hà (Tiểu học Cổ Đạm)... Có được điều đó, Phòng GD&ĐT đã được sự hỗ trợ đáng quý từ các nghệ nhân ca trù như: Cụ Da (90 tuổi); nghệ nhân Dương Thị Xanh, Trần Văn Đài ở Cổ Đạm; bác Võ Quý Tuấn (đàn đáy) ở xã Xuân Giang...

Điều dễ nhận thấy, từ vị Chủ tịch UBND huyện hay Trưởng phòng GD&ĐT đến các giáo viên, học sinh, những người nông dân chân chất trên đồng ruộng ở quê hương Đại thi hào Nguyễn Du và Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đều chắc chắn một niềm tin trong tương lai chính sự ươm mầm của họ hôm nay sẽ tạo nên một nguồn nhân lực tại chỗ đáng quý cho công cuộc xây dựng huyện Nghi Xuân đậm chất văn hóa và trở thành một đô thị du lịch nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn tầm ra năm châu bốn bể như cụ Nguyễn Du đã làm được từ kiệt tác "Truyện Kiều".u

Quốc Hiệp

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/huyen-nghi-xuan-ha-tinh-noi-nha-truong-va-nong-dan-se-lam-du-lich-20200713152534707.htm