Sầm Sơn: Đến để yêu và nhớ

Với hành trình 3 ngày 2 đêm đồng hành cùng gia đình và những người bạn ở TP Sầm Sơn, tôi đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Đền Cá Lập ở TP Sầm Sơn.

Đền Cá Lập ở TP Sầm Sơn.

Đến để yêu...

Chúng tôi đến từ nhiều địa phương trong cả nước, nhưng Sầm Sơn không xa lạ với hầu hết các thành viên. Nhiều người thậm chí đến Sầm Sơn rất nhiều lần nhưng vẫn đồng ý quay lại. Có lẽ, họ cũng như tôi, cho bản thân thêm cơ hội để có những trải nghiệm và cảm nhận mới hơn, trọn vẹn hơn, thậm chí là trưởng thành hơn.

Tình cờ trước đó ít hôm tôi đã xử lý giúp bạn một bài viết về chuyến du lịch Sầm Sơn cách đây gần 30 năm. Đó cũng là lần đầu tiên, bạn chạm mặt biển, chạm mặt xứ Thanh. Trong bài, bạn viết về Sầm Sơn rất khác, với những nét hoang sơ vốn có của một thị xã biển làm du lịch. Con đường chạy thẳng ra biển dưới hàng cây xanh, thưa thớt những khách sạn; bình dị với những chuyến đi lưới từ sáng sớm; những chiếc thuyền thúng úp đều trên bãi cát... Vậy mà giờ đây, chúng tôi đang bước trên con đường thênh thang nối TP Thanh Hóa và Quốc lộ 1A với TP Sầm Sơn; chụp ảnh ở quảng trường biển - “Biểu tượng mới của Sầm Sơn”, vui đùa trong công viên nước có mức đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng, ngủ trong khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, ăn ở nhà hàng đầy đủ tiện nghi...

Chưa kể, Sầm Sơn còn có sân golf 18 lỗ hạng links đẳng cấp nhất Việt Nam và “hằng hà sa số” các cơ sở kinh doanh dịch vụ từ mép biển vào sâu lòng thành phố; có những chuyến xe điện dọc ngang phố xá; có những phiên chợ náo nhiệt mà tại đây những sản vật từ biển sẽ đi tới muôn phương...

Bãi biển Sầm Sơn đẹp và hiện đại.

Bãi biển Sầm Sơn đẹp và hiện đại.

Nhưng vẫn còn đó một hòn Trống Mái ngự trên dãy Trường Lệ; một đền Độc Cước uy nghi thể hiện khát vọng hòa bình, chế ngự giặc dã... bảo vệ sự bình yên cho người dân xứ Thanh; một đền Cô Tiên chênh vênh trên vách núi, hữu tình mà ẩn chứa bao điều kỳ bí. Và còn nhiều di tích lịch sử khác gắn với các nhân vật lịch sử của các thời đại khác nhau. Những di tích lịch sử - văn hóa không chỉ có kiến trúc độc đáo hấp dẫn, mà còn là kho tư liệu kể chuyện ngàn năm cho du khách khi đến với nơi này.

... và nhớ

Trong đoàn có bạn tên Huyền đeo mắt kính dày cộp. Huyền luôn tò mò với mọi thứ, đến đâu cũng khám phá, gặp ai cũng trò chuyện, hỏi han. Tắm biển xong, cả nhóm đi dạo ngắm cảnh biển. Cô vào đền Độc Cước say mê ngắm các văn tự, kiến trúc của ngôi đền, liên tục ghi chép. Chưa thỏa mãn, hôm sau Huyền tiếp tục rủ mọi người đi đền Cô Tiên, đền Đề Lĩnh, đền Tô Hiến Thành... Những ngôi đền cổ kính, linh thiêng dõi nhìn ra biển lớn luôn sáng soi trong tâm thức mỗi người, như ngọn hải đăng dẫn lối cho thuyền bè vào lộng ra khơi cập bến an toàn, tôm cá đầy khoang. Tôi nói đùa: “Đi du lịch hay đi nghiên cứu mà ghi chép nhiều thế?” Huyền cười bảo: “Đi du lịch là để khám phá, tìm hiểu thì mới thú vị, nếu đi du lịch chỉ để nghỉ ngơi, thư giãn thì chỉ vài ngày là chán”.

Tôi chững lại ít phút. Đa số những vị khách lựa chọn Sầm Sơn cho chuyến du lịch của mình vì nơi đây có bãi biển đẹp để tắm, hải sản tươi ngon... Hỏi họ kết thúc chuyến đi điều gì đọng lại trong tâm trí? Câu trả lời cũng chỉ là biển và đồ ăn. Nhu cầu này giải tỏa trong 1, 2 ngày là thỏa mãn, vậy chỉ có cảm thức về một nền văn hóa biển - thứ mà khi đã đi vào tâm trí con người thì nó sẽ còn mãi, mới thúc giục khách quay lại và lưu trú lâu hơn nữa.

Đi, cảm nhận, trò truyện, Huyền luôn có những câu hỏi vì sao. Vì sao con đường này lại có tên Hồ Xuân Hương? Vì sao lại là chợ Cột Đỏ?... Bởi, cô cho rằng, mỗi con đường, mỗi con phố đều có một tên gọi với những sự tích, những câu chuyện lịch sử và văn hóa. Chúng tôi vào các làng, các phố để nghe người dân kể chuyện về cuộc đời, về những thân phận của những con người đã gắn với biển từ hàng chục thế hệ đã đi qua; để tìm hiểu làng nghề sản xuất nước mắm, làng nghề đánh bắt và chế biến cá thủ công... Tại đây, chúng tôi được hướng dẫn cách chế biến các món ăn đặc sản của Sầm Sơn như cháo nghêu, nem hải sản, các món làm từ mực, cá...

Còn nhiều thứ cần tìm hiểu, nhưng không thể nào kể hết được. Vậy nên, đến tắm biển, ăn hải sản và khám phá để nhận thêm nhiều thứ từ Sầm Sơn, đó là con người và văn hóa nơi đây, khi đã hiểu thì tình cảm sẽ lớn dần và trở thành động lực thôi thúc ta quay lại.

Henry Valentine Miller, một nhà văn nổi tiếng người Mỹ từng nói: “Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất, mà là một cách nhìn mới”. Sầm Sơn là một địa danh có thể tạo ra điều như vậy, luôn cho du khách những xúc cảm, trải nghiệm mới mẻ, khó quên. Tôi không giấu diếm là Sầm Sơn từng có một thời tai tiếng. Và để lấy lại danh thơm “điểm nghỉ mát lý tưởng nhất Đông Dương” như người Pháp từng nhận định, chính quyền và người dân nơi đây đã rất nỗ lực. Bên cạnh đó là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mạnh. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất làm thay đổi bộ mặt đô thị, thì việc xây dựng lối sống văn minh đô thị, xây dựng chính quyền điện tử cũng được coi trọng. Cảnh bán hàng rong, hành khất... quấy rầy du khách đã hạn chế nhiều. Bảng giá niêm yết, cam kết bán đúng giá được treo tại những vị trí dễ thấy trong các cửa hàng. Du khách đã thực sự được sống trong khoảng không riêng tư, nghỉ dưỡng đúng nghĩa.

Chúng tôi tin rằng, Sầm Sơn hôm nay sẽ không làm bạn thất vọng. Đến để yêu và nhớ, rồi quay trở lại.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/sam-son-den-de-yeu-va-nho-218793.htm