Huyện Ngọc Lặc nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Với nhiều giải pháp thiết thực cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) của huyện Ngọc Lặc trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Cơ sở vật chất, khuôn viên Trường Tiểu học Kiên Thọ 1 được xây dựng khang trang, sạch đẹp đảm bảo tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia.

Phòng học khang trang, khuôn viên sân trường sạch, đẹp, thoáng mát, trang thiết bị dạy, học được đầu tư đồng bộ... đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận được khi đến thăm Trường Tiểu học Kiên Thọ 1. Được biết, từ khi được công nhận trường đạt CQG mức độ 1 năm 2016 đến nay, các hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học Kiên Thọ 1 không ngừng đẩy mạnh, hạ tầng cơ sở vật chất được tăng cường, các phong trào thi đua của ngành, của địa phương phát động luôn thu hút sự quan tâm của cán bộ, giáo viên và học sinh với khí thế, tinh thần hào hứng, sôi nổi. Hoạt động giảng dạy, học tập của thầy và trò nhà trường được thực hiện linh hoạt, đổi mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kiên Thọ 1 cho hay: Xây dựng trường học đạt CQG là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành GD&ĐT nhằm chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, đồ dùng và trang thiết bị dạy, học. Đồng thời, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng trường chuẩn, nhà trường cũng như chính quyền địa phương luôn nỗ lực tìm mọi nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên. Đến nay, tỷ lệ giáo viên của nhà trường đạt chuẩn là 100%, trong đó trên chuẩn chiếm 86%. Đặc biệt, để đáp ứng các tiêu chí của trường CQG, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học được nhà trường chú trọng và khuyến khích giáo viên dạy học theo hướng mở, lấy học sinh làm trung tâm, không áp đặt, không rập khuôn máy móc. 100% các tiết dạy của giáo viên đều sử dụng đồ dùng dạy học trực quan, tạo hứng thú cho cả giáo viên và học sinh.

Tại Trường THCS Phúc Thịnh, công tác xây dựng trường học đạt CQG cũng được Ban giám hiệu nhà trường xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Mặc dù điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, song, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành giáo dục cùng sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường, từ năm 2010 Trường THCS Phúc Thịnh đã được công nhận CQG. Theo cô giáo Quách Thị Quyển, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Thịnh, trước khi xây dựng chuẩn, cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều khó khăn do các phòng học xuống cấp, khuôn viên nhà trường không bảo đảm tiêu chí chuẩn... Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của UBND, phòng GD&ĐT huyện và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ Chương trình 135, chương trình kiên cố hóa trường lớp, những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ, diện mạo nhà trường từng bước thay đổi. Theo đó, từ năm 2008, nhiều hạng mục như phòng học, phòng bộ môn, khuôn viên sân trường, nhà hiệu bộ... được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại, bảo đảm tiêu chí của trường đạt CQG. Qua đó, tạo động lực để mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Mỗi đơn vị trường trên địa bàn huyện Ngọc Lặc khi bắt tay vào xây dựng CQG đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, đặc biệt là đối với những trường thuộc vùng 135. Xác định được điều đó, ngành GD&ĐT huyện đã sớm lập kế hoạch về lộ trình thực hiện, nắm bắt thực lực của các đơn vị trường để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu cần phát huy và khắc phục. Ngoài ra, Ban chỉ đạo xây dựng trường đạt CQG của huyện luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng các nhà trường theo tiêu chí trường đạt CQG. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn cũng tích cực vào cuộc, huy động nguồn lực; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm tập trung làm tốt nhiệm vụ xây dựng trường đạt CQG theo chỉ tiêu kế hoạch năm. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015-2020, mỗi năm, toàn huyện Ngọc Lặc sẽ xây dựng 3 trường đạt CQG. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, kết quả xây dựng trường CQG đều vượt kế hoạch. Đơn cử như năm 2017, toàn huyện có 4 trường đạt chuẩn, năm 2018 có 5 trường đạt chuẩn. Qua thống kê, đến nay, toàn huyện Ngọc Lặc đã có 37/75 trường đạt CQG, đạt tỷ lệ 49,3%.

Bước tiến trong công tác xây dựng trường đạt CQG ở huyện Ngọc Lặc, ngoài sự quan tâm đầu tư của ngành giáo dục, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, phải kể đến sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân trong công tác xã hội hóa giáo dục. Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Lặc, các trường đạt CQG trên địa bàn huyện đã và đang phát huy vai trò là động lực thúc đẩy việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Bài và ảnh: P.S

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/huyen-ngoc-lac-no-luc-xay-dung-nbsp-truong-dat-chuan-quoc-gia/107558.htm