Huyện Ngọc Lặc phát triển các loại cây ăn quả

Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu những năm gần đây huyện Ngọc Lặc đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất, đất lâm nghiệp, đất vườn không hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, nhiều diện tích được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Chăm sóc dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà màng tại HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ.

Năm 2019, sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà màng ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (Thọ Xuân) và được sự hỗ trợ của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, anh Phạm Văn Kiên, phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ cùng các thành viên trong HTX quyết định nhận thầu 1,2 diện tích đất thầu của xã đầu tư xây dựng 1.620m2 nhà màng để trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu. HTX được Công ty CP Mía đường Lam Sơn hỗ trợ đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm. Đây là giống dưa vàng ngọt, thơm, giòn có xuất xứ từ Đài Loan, Thái Lan đang được thị trường trong nước ưa chuộng. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên chỉ hơn 2 tháng trồng, chăm sóc cây dưa bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2020, HTX thu hoạch 3 lứa dưa, với sản lượng 35 tấn, giá bán tại vườn 35.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi trên 300 triệu đồng. Đến nay, HTX đã đầu tư mở rộng 4.220m2 nhà màng để trồng dưa Kim Hoàng Hậu. Để mở rộng thị trường tiêu thụ dưa, năm 2021 HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ đã liên doanh với Công ty Thọ Phú Xanh và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại công nghệ cao Rich Farm để tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu sản phẩm dưa sang các nước trong khu vực.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã tập trung rà soát, quy hoạch những vùng có diện tích đất lúa, ngô, cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao. Tính đến đầu năm 2021, huyện Ngọc Lặc đã phát triển được 2.120 ha cây ăn quả các loại, như: dứa, cam, bưởi, mít, dưa Kim Hoàng Hậu, quýt ngọt, na, chuối, bơ... nằm rải rác ở các xã, thị trấn, trong đó có 1.594 ha đã cho sản phẩm, với thu nhập bình quân 162 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, những năm qua trên địa bàn huyện Ngọc Lặc cũng được nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như: mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu của Công ty TNHH MTV Lam Sơn (xã Lam Sơn); mô hình trồng vải không hạt và bơ Israel trên diện tích gần 30 ha do Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm đầu tư. Đặc biệt, cuối năm 2020, Dự án Khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa 1, có tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng được khởi công ở xã Minh Tiến. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thu mua 50 nghìn tấn trái cây, rau, củ, quả/năm. Đây là tiền đề quan trọng để chính quyền và Nhân dân các xã huyện Ngọc Lặc tin tưởng để đầu tư phát triển cây ăn quả.

Hiện nay, huyện Ngọc Lặc tiếp tục vận động Nhân dân tích tụ ruộng đất, hỗ trợ kinh phí mua giống và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các vùng cây ăn quả quy mô lớn. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả; sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, có nhiều giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-ngoc-lac-phat-trien-cac-loai-cay-an-qua/134501.htm