Huyện Như Xuân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại

Để phát triển chăn nuôi hiệu quả và bền vững, huyện Như Xuân đã có nhiều chính sách tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro do dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Một trang trại nuôi gà tại xã Thượng Ninh.

Từ năm 2013, huyện Như Xuân đã thực hiện giải pháp nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Theo đó, huyện đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 25 trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê và trang trại tổng hợp đầu tư hạ tầng trang trại, kinh phí tiêm vắc-xin, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm,... với tổng kinh phí hỗ trợ là 502 triệu đồng. Cùng với việc hỗ trợ đầu tư trang trại, trong những năm qua người dân đã chủ động chuyển đổi trên 200 ha đất trồng sắn kém hiệu quả kinh tế, đất vườn tạp để trồng cỏ chăn nuôi, tạo ra nguồn thức ăn dồi dào, phục vụ chăn nuôi số lượng lớn. Ngoài ra, huyện còn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải,... để nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, để các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Người dân còn tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần giải quyết việc làm cho 570 lao động, bình quân doanh thu mỗi trang trại đạt hơn 300 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn huyện có 170 trang trại, trong đó có 16 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điển hình như: Trang trại của gia đình ông Hoàng Ngọc Năm, thôn Quảng Hợp, xã Hóa Quỳ; trang trại của ông Lê Giáp Tý, thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ; trang trại của gia đình ông Đỗ Trung Hà, thôn Tân Thắng, xã Tân Bình;....

Theo ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Tuy phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại đang phát triển tốt nhưng hiện nay, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân còn hạn chế do tài sản thế chấp của các trang trại là đất đai, trong khi giá trị đất đai ở những nơi đầu tư trang trại thường thấp. Không những thế còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh..., ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất, kinh doanh của các chủ trang trại còn hạn chế, đa số lao động của các trang trại là lao động thủ công, việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi còn hạn chế dẫn đến giá trị sản xuất chưa cao. Trong năm 2019, huyện Như Xuân phấn đấu phát triển mới 22 trang trại, trong đó 5 trang trại trâu bò; 10 trang trại gà; 5 trang trại chăn nuôi hỗn hợp và 2 trang trại chăn nuôi lợn. Để thực hiện thành công, UBND huyện hiện đang chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế trang trại và các mô hình kinh tế trang trại điển hình trên địa bàn đến người dân. Tổ chức cho các hộ chăn nuôi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trang trại điển hình trong, ngoài tỉnh để triển khai thực hiện, nhân rộng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của huyện. Đồng thời, hướng dẫn các chủ trang trại áp dụng quy trình, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Xây dựng mô hình trang trại sạch, ứng dụng công nghệ cao và thu hút doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển theo hướng bền vững.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-nhu-xuan-phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-trang-trai/102155.htm