Huyện Nông Cống đẩy mạnh chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại tiện ích cho người dân, bởi vậy huyện Nông Cống đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh CĐS trên nhiều lĩnh vực và bước đầu thu được 'trái ngọt'.
Xã Thăng Long là 1 trong 6 xã của huyện Nông Cống được giao hoàn thành nhiệm vụ CĐS trong năm 2023, từ việc cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đến nay, Thăng Long đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã CĐS, còn lại chỉ tiêu về: Nhà ở cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số đã triển khai theo hướng dẫn, nhưng chưa đánh giá và tiêu chí Hệ thống đài truyền thanh thông minh 4.0 chưa thực hiện.
Ông Lê Thanh Sơn, Công chức Văn hóa - Xã hội xã Thăng Long cho biết: Hiện nay, 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức xã đã sử dụng Hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử; 100% văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định). Ngoài ra, để tăng tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, xã chỉ đạo cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tăng cường tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Mặt khác, hướng dẫn người dân lập tài khoản, thao tác gửi hồ sơ qua mạng, giúp gỡ bỏ tâm lý ngại khó, ngại thay đổi... Đối với người không sử dụng điện thoại thông minh, người cao tuổi, cán bộ xã hỗ trợ tạo tài khoản, nộp hồ sơ giúp người dân. Ngoài ra, xã cũng thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn các hộ dân tham gia tìm hiểu CĐS, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và kích hoạt định danh điện tử (VNeID), chữ ký số cá nhân... qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và cộng đồng trách nhiệm trong việc thực hiện CĐS trên địa bàn xã.
Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ CĐS, huyện Nông Cống gặp phải không ít khó khăn, thách thức, theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Đặng Minh Thư thì đó là những “rào cản không nhỏ”, như: Nguồn lực phục vụ CĐS; hệ thống hạ tầng thiếu và yếu; hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ dịch vụ công, công tác chuyên môn chưa đồng bộ; các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa được tích hợp nên hiệu quả sử dụng chưa cao... Bên cạnh đó, kỹ năng ứng dụng công nghệ số của cán bộ công chức cấp xã chưa đồng đều, chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT tại các xã, thị trấn; người dân chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của CĐS, của việc sử dụng các ứng dụng CNTT phục vụ cho công việc, thay đổi cách thức làm việc, sản xuất, giao dịch, mua sắm, bán hàng; tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng, ví điện tử tham gia thanh toán không dùng tiền mặt chưa cao...
Sau khi “nhận diện” được những khó khăn, vướng mắc, huyện Nông Cống đã bắt tay vào tháo gỡ, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ CĐS. Bằng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, đến nay cơ sở hạ tầng CNTT trên địa bàn huyện từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước làm việc, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các phòng, ban của huyện, UBND các xã, thị trấn đều được kết nối hệ thống Internet băng thông rộng, hệ thống mạng LAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng, được bảo trì thường xuyên đảm bảo truy cập Internet thông suốt.
100% các cơ quan, đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; thực hiện hiệu quả phần mềm theo dõi nhiệm vụ đối với các phòng, ban, đơn vị cấp huyện và UBND các xã, thị trấn. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến hoạt động ổn định, hiệu quả.
Đã có 29/29 xã, thị trấn có hệ thống phòng họp trực tuyến, trên 50 thôn của 7 xã có truyền hình trực tuyến một chiều; 100% lãnh đạo cấp ủy từ huyện đến cấp xã đã được cấp, tập huấn và sử dụng chữ ký số; 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành; tổng số văn bản được gửi đi trên phần mềm TDoffice tính đến ngày 29/11/2023 là 11.703 văn bản được ký số gửi trên hệ thống, tỷ lệ ký số là 99,94%.
Ngoài ra, để phục vụ phát triển kinh tế số, huyện Nông Cống đã phối hợp với Bưu điện, Viettel, VNPT... hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể đưa các sản phẩm thế mạnh lên sàn thương mại điện tử, kênh phân phối của Bưu điện Việt Nam, Viettel Post...; hỗ trợ cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP của huyện. Đến thời điểm hiện tại, Nông Cống đã có 20 sản phẩm OCOP, VietGAP đã được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Huyện Nông Cống cũng chỉ đạo ngành giáo dục triển khai có hiệu quả các phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect, phần mềm tuyển sinh đầu cấp... để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội; tiếp tục thu nhận tạo lập tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân; các địa điểm tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông đều được gắn camera để giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự (toàn huyện hiện có 604 camera); 120/201 thôn, tiểu khu có wifi miễn phí tại các nhà văn hóa phục vụ người dân truy cập internet....
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác CĐS, Nông Cống đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, như: 100% các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn huyện được kết nối liên thông giữa các cơ quan qua Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc để trao đổi văn bản điện tử; 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn huyện chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; 100% văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản có hồ sơ mật theo quy định); toàn huyện phấn đấu ít nhất có 90% số cuộc họp được thực hiện qua Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất; 70% doanh nghiệp, tổ chức sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán, sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp, HTX, làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh được tiếp cận chương trình hỗ trợ CĐS; 100% các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của địa phương, sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu trên mạng internet, sàn thương mại điện tử và được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc; 80% người dân số có tài khoản thanh toán điện tử; 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử được cập nhật, bổ sung thông tin thường xuyên; 70% hộ gia đình thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...