Huyện Nông Cống thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, sản xuất nông nghiệp, nhất là cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Nông Cống có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực; các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới; công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và khuyến nông được đẩy mạnh.

Nông dân xã Thăng Long (Nông Cống) chăm sóc dưa.

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân dần được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế; việc tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất quy mô lớn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, huyện Nông Cống tập trung chỉ đạo xây dựng, phê duyệt điều chỉnh các kế hoạch, phương án làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tích tụ, tập trung đất lúa để phát triển nông nghiệp quy mô lớn; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, huyện chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng; quy hoạch xây dựng vùng sản xuất lúa thâm canh, năng suất, chất lượng cao; vùng nguyên liệu mía đường; vùng sản xuất rau an toàn; phát triển các sản phẩm lợi thế; cải tạo vườn tạp; xây dựng khu nuôi cá lúa tập trung, khu nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi linh hoạt diện tích đất lúa có hiệu quả kinh tế thấp, vùng khó khăn về nước tưới sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, vùng sâu trũng sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa. Huyện đã chuyển đổi linh hoạt 850 ha đất lúa hiệu quả kinh tế thấp, khó khăn về nước tưới, vùng sâu trũng sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; 100% trà xuân muộn, mùa sớm, mùa cực sớm bằng các giống lúa lai, lúa thuần ngắn ngày có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao (trong đó vụ xuân duy trì 70% diện tích lúa lai, vụ mùa 10%). Sản lượng lương thực có hạt hàng năm đạt hơn 133.000 tấn... Tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho 15.000 con bò, 200 con trâu, nâng tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt 100%. Duy trì, phát triển 1 cơ sở chăn nuôi lợn nái cấp ông, bà quy mô 100 con, hàng năm sản xuất hơn 500 lợn cái hậu bị cấp bố, mẹ. Cải tạo giống vật nuôi theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Công tác giám sát và phòng trừ dịch bệnh được quan tâm; công tác tiêm phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định; các ổ dịch được phát hiện kịp thời, khoanh vùng, khống chế, dập tắt ngay trong diện hẹp không để lây lan ra diện rộng, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn. Đó là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thực sự rõ nét; 4 khâu đột phá còn hạn chế: Về tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn chưa nhiều. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, dẫn đến chất lượng, giá trị sản phẩm chưa cao. Công tác thu hút doanh nghiệp và nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với yêu cầu thực tế; việc tham gia giới thiệu, quảng bá cơ hội, tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện còn khó khăn. Công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, áp dụng các mô hình sản xuất công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn còn hạn chế. Sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa cao nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Ông Đồng Minh Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nông Cống, cho biết: Để khắc phục những tồn tại trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, thời gian qua huyện đang tập trung cao cho việc tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng liên kết vùng, nông hộ với các sản phẩm có lợi thế. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng cơ giới vào sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Không ngừng khảo nghiệm, du nhập, đưa vào sản xuất các loại giống cây, con tiến bộ, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện, như: Lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, khoai tây, dưa Taki Nhật, ớt xuất khẩu, ngô ngọt, dưa bao tử; lợn hữu cơ, gà sạch.

Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-nong-cong-thuc-hien-co-hieu-qua-viec-tai-co-cau-nong-nghiep/99701.htm