Huyện Phú Xuyên quyết tâm đi đầu trong cơ giới hóa sản xuất lúa

Hoàn thành xong công tác dồn điền đổi thửa, huyện Phú Xuyên đã bắt tay ngay vào xây dựng đề án đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa, trong tập trung vào các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các HTXNN, nông hộ áp dụng cơ giới hóa.

Những chiếc máy cấy mới vừa được bàn giao cho các đơn vị, HTXNN của huyện Phú Xuyên.

Những chiếc máy cấy mới vừa được bàn giao cho các đơn vị, HTXNN của huyện Phú Xuyên.

Tăng năng suất cây trồng

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp để nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc đưa cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng là nhu cầu cấp thiết trong sản xuất hiện nay, giúp nâng cao đời sống người dân.

Qua đó, từ việc đầu tư trong khâu gieo cấy đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng từ 10 - 15%; giảm chi phí sản xuất từ 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2 - 3%, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,15 - 1,2 lần so với lao động thủ công.

Cùng với đó, góp phần giải phóng sức lao động ở nông thôn, giảm bớt khó khăn. Nhờ có áp dụng cơ giới hóa, đến nay các khâu làm đất, thu hoạch…trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Xuyên đều đạt gần 100% diện tích; khâu gieo cấy cũng đạt 20%, cao nhất TP Hà Nội. Theo kế hoạch, đến năm 2028, toàn huyện Phú Xuyên sẽ có trên 40% diện tích gieo cấy được cơ giới hóa.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, nông dân xã Chuyên Mỹ chia sẻ, cách làm mạ khay cấy máy không quá phức tạp, nông dân chỉ cần chịu khó học hỏi 1 - 2 vụ là có thể làm thuần thục từng động tác. Với cách làm này sẽ không tốn nhiều công sức, gia đình ông có thể sản xuất 4 mẫu lúa mỗi vụ rất thuận lợi và hiệu quả sản xuất lại cao.

Giám đốc HTXNN Phú Chuyên, xã Chuyên Mỹ Vũ Văn Đình chia sẻ, giai đoạn đầu, việc đưa cấy máy áp dụng trong sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt từ 10 - 15% diện tích toàn xã. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, sự hỗ trợ tích cực của TP và huyện, diện tích cấy máy của xã tăng mạnh. Đến nay, toàn xã đã có hàng chục máy cấy, diện tích cấy máy toàn xã đạt hơn 90%...

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong khâu làm mạ khay tập trung, các HTXNN trên địa bàn huyện đã có cách làm linh hoạt. Nếu có điều kiện mặt bằng, các hộ mua khay mạ về tự bảo quản, chăm sóc; các chủ máy cấy hỗ trợ gieo hạt giống cho xã viên. Cách làm này giúp xã viên giảm chi phí làm mạ khay, đồng thời HTXNN khắc phục được việc thiếu mặt bằng...

Lãnh đạo huyện Phú Xuyên kiểm tra công tác sản xuất đầu năm.

Lãnh đạo huyện Phú Xuyên kiểm tra công tác sản xuất đầu năm.

Nhân rộng mô hình

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, những năm qua, ngoài nguồn hỗ trợ của TP (50% giá trị máy cấy), ngân sách huyện hỗ trợ 10% giá trị máy cấy, ngân sách xã hoặc HTX hỗ trợ thêm 15% trở lên nên lượng máy cấy đã tăng qua các năm gần đây.

Riêng giai đoạn từ 2012 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho đề án cơ giới hóa trong khâu mạ khay, cấy máy của huyện đạt khoảng 20 tỷ đồng. Đến nay, ngoài tiếp tục chính sách hỗ trợ mua máy cấy, huyện còn hỗ trợ hộ dân áp dụng phương pháp cấy máy với mức 50.000 - 75.000 đồng/sào. Chỉ trong 3 năm từ 2018 - 2020, huyện đã hỗ trợ kinh phí gần 3,4 tỷ đồng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết: Áp dụng phương pháp này không chỉ giúp giải phóng được lượng lớn lao động trong nông nghiệp chuyển sang phát triển làng nghề mà còn bảo vệ sức khỏe người dân trong điều kiện thời tiết bất lợi. Do vậy, mặc dù công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của huyện ngày càng phát triển nhưng không xảy ra tình trạng ruộng bỏ hoang.

Để nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy, phấn đấu tới năm 2025, Phú Xuyên có từ 50% diện tích cấy lúa áp dụng biện pháp cấy máy trở lên, đồng thời tiếp tục hình thành liên kết vùng miền, HTX với nhau trong việc cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy nhằm bảo đảm thời vụ, phát huy tối đa công suất của máy trong công cuộc cơ giới hóa.

Huyện cũng kiến nghị với TP có cơ chế chính sách hỗ trợ địa phương thành lập thêm trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu. Mặt khác, thời gian tới huyện sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng và sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết thêm: Phú Xuyên hiện có hơn 17.356ha đất tự nhiên, trong đó diện tích đất trồng cây hàng năm 564,59ha, đất 2 lúa hơn 6.467ha. Sau khi thực hiện nghị quyết của Huyện ủy về dồn điền đổi thửa, đến nay mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng trồng lúa từ 1.000 - 2.500m2/thửa. Qua đó đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn…

Công Tâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-phu-xuyen-quyet-tam-di-dau-trong-co-gioi-hoa-san-xuat-lua.html