Huyện Phú Xuyên xứng tầm với vai trò 'Cửa ngõ phía Nam của Thủ đô'

Sáng 29/7, huyện Phú Xuyên kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện (30/7/1954 - 30/7/2024). Dự lễ kỷ niệm có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành của TP…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên

Chặng đường hào hùng

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh đã ôn lại truyền thống tự hào của huyện, trong đó khẳng định, dưới ánh sáng của Đảng, ngay từ đầu năm 1930, Tổ Nông hội đỏ thôn Kim Quy, xã Minh Tân ra đời. Hòa cùng khí thế cách mạng của cả nước thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc từ năm 1930 - 1945 các tổ chức Việt Minh lần lượt ra đời.

Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ngày 28/11/1945 và Ban Huyện ủy Phú Xuyên cuối tháng 3/1946 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng ở địa phương. Từ đây phong trào cách mạng huyện Phú Xuyên với tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo mở ra những khả năng và điều kiện phát triển mới.

9 năm kháng chiến trường kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân Phú Xuyên chiến đấu 2.053 trận, tiêu diệt 3.654 tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Những chiến thắng vang dội ở Cầu Gầm, Nội Cói, Cống Gạo Hồ, Trại Diền, Mai Xá... còn in đậm trong tâm khảm của các tầng lớp Nhân dân, góp phần quan trọng tiến lên vùng dậy giải phóng quê hương Phú Xuyên ngày 30/7/1954.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên

"Chiến thắng 30/7/1954 là chiến thắng của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng bộ huyện, là thắng lợi của tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân Phú Xuyên. 21 năm (từ 1954 -1975), Đảng bộ huyện lãnh đạo Nhân dân tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh hoàn thành cách mạng dân tộc, bước đầu phát triển kinh tế xã hội"- Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh nhấn mạnh trong diễn văn kỷ niệm.

Sau năm 1954, quân và dân Phú Xuyên đã hiệp đồng tác chiến, phối hợp cùng bộ đội chủ lực tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, chiến đấu 241 trận, bắn rơi 13 máy bay giặc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương, bảo vệ an toàn các khu vực trọng điểm và Cầu Giẽ mệnh danh là “Hàm Rồng của Hà Tây”; ra sức bảo vệ QL 1A nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn.

Đồng thời, tiếp tục hăng hái thi đua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, sẵn sàng trực tiếp chiến đấu, chi viện cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những tên đất, tên làng như: Nam Triều, Cổ Trai (Đại Xuyên), Bài Lễ (Châu Can), ga Phú Xuyên, kè Quang Lãng, Nam Phong trở thành niềm tự hào và niềm kiêu hãnh của Phú Xuyên anh hùng, vừa chiến đấu, vừa sản xuất với tinh thần tất cả cho tiền tuyến.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Xuyên

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Xuyên

Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện tổ chức 32 đợt tuyển quân với 17.000 thanh niên lên đường chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn lượt người tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhiều của cải vật chất chi viện cho đồng bào miền Nam ruột thịt.

Toàn huyện có 4.000 liệt sĩ; 393 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Với những cống hiến đặc biệt trong các cuộc kháng chiến, huyện Phú Xuyên và 6 xã Châu Can, Phú Yên, Đại Xuyên, Hồng Thái, Quang Lãng, Quang Trung, 4 cá nhân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực

Trong công cuộc đổi mới, Phú Xuyên đã ra sức xây dựng và phát triển kinh tế, tập trung xây dựng NTM. Đến năm 2020, 25/25 xã đạt chuẩn NTM, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã Tri Trung, Đại Thắng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm.

Và đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 70 triệu đồng/người/năm. Huyện từng bước tập trung xây dựng củng cố chính quyền, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của Nhân dân thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Kế thừa truyền thống cách mạng và tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Phú Xuyên tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Với những kết quả đã đạt được, huyện Phú Xuyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2014, Huân chương Lao động hạng Ba về xây dựng nông thôn mới năm 2022…

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong biểu dương, đánh giá cao thành tích Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Xuyên đạt được trong quá trình phát triển sau 70 năm giải phóng. "Những thành tích đáng tự hào đó là nền tảng vững chắc để huyện Phú Xuyên hướng tới tương lai trở thành đô thị vệ tinh của TP Hà Nội vào năm 2030"- Phó Bí thư Thành ủy nhận định.

Cùng với đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm huyện cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục phát huy truyền thống huyện anh hùng, tinh thần đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng xây dựng huyện xứng tầm với vai trò “Cửa ngõ phía Nam của Thủ đô”. Đồng thời lưu ý, việc xây dựng, phát triển huyện phải dựa trên nội lực là chính, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đi đôi với phát huy đổi mới sáng tạo, sự đồng lòng, khát vọng phát triển của từng cán bộ, đảng viên, Nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện, tiếp tục quyết tâm, nỗ lực, kiên trì bền bỉ trong tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho sự thành công đó là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cộng với chất lượng hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền cần được nâng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

“Chỉ khi mục tiêu, khát vọng của mỗi tổ chức, doanh nghiệp và người dân huyện Phú Xuyên biến thành ý chí chung, quyết tâm, đoàn kết, trách nhiệm tự nhiên của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, mới tạo được động lực to lớn cho công cuộc xây dựng địa phương trong thời gian tới” - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Công Tâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-phu-xuyen-xung-tam-voi-vai-tro-cua-ngo-phia-nam-cua-thu-do.html