Huyện Phúc Thọ: đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP tiềm năng
Ông Lê Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, để thúc đẩy các sản phẩm tiềm năng của huyện, thời gian tới, huyện Phúc Thọ định hướng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương…
Triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Thủ tướng phát động từ năm 2018, TP đã vào cuộc tích cực, với sự chỉ đạo triển khai tổ chức đồng bộ hiệu quả từ TP đến cơ sở. Đến nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP.
Theo đó, đến nay, TP Hà Nội đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, TP Hà Nội công nhận 518 sản phẩm (01 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu Kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm). Năm 2023, TP Hà Nội công nhận 104 sản phẩm 4 sao.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình OCOP, huyện Phúc Thọ đã vào cuộc tích cực, với sự chỉ đạo triển khai tổ chức đồng bộ hiệu quả và đến nay, Chương trình OCOP của huyện Phúc Thọ đã đạt được những kết quả tích cực.
Tính đến nay trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã có 67 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có 30 sản phẩm đạt 4 sao, 37 sản phẩm đạt 3 sao.
Cụ thể, năm 2019, huyện Phúc Thọ có 8 sản phẩm được công nhận (5 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 3 sao). Năm 2020, có 17 sản phẩm được công nhận (13 sản phẩm 4 sao; 4 sản phẩm 3 sao). Năm 2021, có 25 sản phẩm được công nhận (7 sản phẩm 4 sao; 18 sản phẩm 3 sao). Năm 2022, có 9 sản phẩm được công nhận (4 sản phẩm 4 sao; 5 sản phẩm 3 sao). Năm 2023, có 9 sản phẩm được đánh giá công nhận (1 sản phẩm 4 sao; 8 sản phẩm 3 sao)” - ông Nguyễn Văn Thái, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, thông tin.
Ông Khuất Quang Cảnh, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình OCOP, UBND huyện đã thường xuyên tuyên truyền đến các xã, thị trấn và Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình OCOP trên hệ thống thông tin đại chúng và các ấn phẩm giới thiệu sản phẩm OCOP, bài viết chuyên đề, câu chuyện sản phẩm gắn với hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể.
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm tuyên truyền tới lực lượng thanh niên, phụ nữ, trí thức trẻ để tạo ra nhiều sản phẩm mới (sản phẩm từ ý tưởng) gắn với thế mạnh, đặc thù của từng địa phương” – ông Khuất Quang Cảnh nhấn mạnh.
Theo ông Khuất Quang Cảnh, hàng năm, UBND huyện tổ chức các hội chợ, các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của huyện, tạo cơ hội cho các chủ thể tiếp cận thị trường. Phối hợp với Sở Công Thương Hà Nôi tổ chức các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại xã Võng Xuyên, Vân Phúc. Tổ chức thành công hội nghị kết nối giữa các doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất kinh doanh của huyện với các doanh nghiệp và các sàn giao dịch điện tử nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm và các mô hình, cách làm hay của các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thành công Chương trình OCOP.
“Đến nay, sản phẩm trên địa bàn huyện đã hình thành 8 chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn. Nhiều nông sản sạch địa phương đã được công nhận nhãn hiệu như: bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, cà dầm tương, tương nếp... Một số sản phẩm như: chuối Vân Nam, gấu bông Tam Hiệp đã xây dựng trang web riêng, sản phẩm bánh kẹo Vinabisca đã tham gia trên sàn Shopee, các sản phẩm thịt lợn sinh học, xúc xích, giò Thọ Lộc, rau an toàn Thanh Đa đã đưa được vào các bếp ăn tập thể trên địa bàn TP, các sản phẩm đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc và niêm yết trên trang hn.check.net.vn của TP Hà Nội. Đặc biệt có sản phẩm Gương nghệ thuật của Công ty TNHH Navado hiện nay đã xuất khẩu sang Mỹ”, ông Khuất Quang Cảnh cho hay.
Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị
Theo UBND huyện Phúc Thọ, với đặc thù là huyện nông nghiệp, các sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn huyện chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp như rau, thịt, quả và một số sản phẩm làng nghề truyền thống. Trong thời gian tới, với các sản phẩm nông nghiệp như rau, thịt, chuối,...huyện Phúc Thọ tiếp tục định hướng phát triển sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi liên kết nhằm đảm bảo tính bền vững trong tiêu thụ, nâng cao giá trị thu nhập.
Với các sản phẩm làng nghề như đồ gỗ nội thất, đồ may mặc,... tiếp tục cải tiến bao bì, nhãn mác và chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm có yếu tố liên quan đến sức khỏe như: nấm đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo, các sản phẩm rượu ngâm... sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm và tiêu dùng.
Ông Lê Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, để thúc đẩy các sản phẩm tiềm năng của huyện, thời gian tới, huyện Phúc Thọ định hướng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương. Các đặc sản, sản phẩm làng nghề và du lịch nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững.
“Chúng tôi sẽ thành lập Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Đây chính là điều kiện, cơ sở để sản phẩm OCOP của huyện được mở rộng, quảng bá và giới thiệu đến với người tiêu dùng biết đến” – ông Lê Văn Thu cho hay.
Theo ông Lê Văn Thu, để thực hiện được mục tiêu trên, thời gian tới, huyện Phúc Thọ Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm OCOP, chương trình OCOP; đào tạo tập huấn, kiến thức về chương trình OCOP.
Hiện nay, các chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh quy mô sản xuất nhỏ, thị trường chủ yếu là trên địa bàn huyện, ít có cơ hội tiếp cận và đưa sản phẩm đi các tỉnh, TP. Do đó, huyện Phúc Thọ sẽ tạo cơ hội để các chủ thể OCOP có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn thông qua việc quảng bá sản phẩm, giúp các chủ thể quảng bá giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh truyền thông và thị trường trực tuyến, liên kết với các sàn giao dịch điện tử để nâng cao giá trị, chất lượng và sản lượng của sản phẩm.
Tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Khuyến khích các chủ thể đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo ra các sản phẩm có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Các sản phẩm đặc trưng mang tính địa phương và cải thiện chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm thông qua các cuộc thi, hội thi do huyện Phúc Thọ và TP Hà Nội tổ chức.
Xây dựng mạng lưới hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện thông qua các hội nghị hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp với các chủ thể OCOP của huyện, kết nối, đưa các sản phẩm OCOP thực phẩm vào các bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp, bếp ăn các trường trên địa bàn. Khuyến khích việc mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bàn ghế học sinh, bàn giám đốc, tủ hồ sơ… của các chủ thể đã được công nhận sản phẩm OCOP.
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2023.
Theo đó, UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2023 thuộc Chương trình OCOP đối với 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao của 32 chủ thể tham gia Chương trình OCOP cấp TP Hà Nội năm 2023.
Cụ thể, Tây Hồ 1, Hoài Đức 8, Phúc Thọ 1, Mỹ Đức 4, Ứng Hòa 5, Thanh Trì 12, Gia Lâm 1, Phú Xuyên 12, Long Biên 10, Thanh Oai 1, Ba Vì 10, Mê Linh 1, Đan Phượng 3, Thạch Thất 7, Thường Tín 3, Quốc Oai 2, Hoàn Kiếm 5, Đông Anh 5, Hà Đông 1, Chương Mỹ 12.