Huyện Quan Hóa gắn chế biến lâm sản với phát triển vùng nguyên liệu
Là địa phương có diện tích đất rừng lớn của tỉnh, những năm gần đây, huyện Quan Hóa đã có nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành lâm nghiệp.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm vàng mã trước khi xuất bán sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) ở HTX Hợp Phát, xã Phú Nghiêm.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế về chế biến lâm sản, năm 2004, gia đình anh Nguyễn Duy Chính ở thị trấn Hồi Xuân quyết định thành lập HTX Hợp Phát ở bản Cổi, xã Xuân Phú (nay là xã Phú Nghiêm) chuyên sản xuất vàng mã, nan tre luồng, ván sàn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, hệ thống dây chuyền sản xuất theo công nghệ của Đài Loan; hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ tiên tiến của Công ty Xử lý môi trường Hà Nội. Đến nay, mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 30.000 tấn nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu chủ yếu được cung cấp từ các hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn huyện và một số địa phương trong tỉnh. Năm 2020 doanh thu của HTX ước đạt 80 tỷ đồng, tạo việc làm cho 150 lao động địa phương, thu nhập từ 6 triệu đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Tính đến hết năm 2020, huyện Quan Hóa có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 89.316,23 ha, trong đó có 83.616,53 ha rừng. Ngoài ra, huyện còn có 27.268,6 ha rừng luồng. Để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Quan Hóa đã có nhiều giải pháp, như hỗ trợ phát triển rừng luồng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện đã thâm canh, phục tráng được 4.100 ha luồng; đã có 2.369,6 ha luồng được cấp chứng chỉ FSC. Ngoài ra, huyện đã thành lập 27 tổ, nhóm nông dân hợp tác phát triển rừng luồng, đã có 2 tổ nhóm tham gia ký hợp đồng bán luồng trực tiếp cho nhà máy chế biến. Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, việc thu hút các doanh nghiệp chế biến lâm sản luôn được huyện quan tâm. Hiện nay, huyện đã có 22 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 11 công ty, 6 HTX, 5 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tre luồng, với các sản phẩm vàng mã, thanh ván gỗ sàn, gỗ xoan. Các sản phẩm sau khi sản xuất, chế biến được tiêu thụ tại thị trường trong nước và một phần được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Cùng với tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, các cơ sở còn thu mua lâm sản từ các vùng lân cận để chế biến, tạo việc làm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2020, giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn huyện ước đạt 335,622 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu là 4,8 triệu USD.
Mặc dù có lợi thế về sản xuất lâm nghiệp, nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ của huyện Quan Hóa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, như: Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng rừng còn hạn chế; nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất băm dăm, bán nan, thanh nan, chưa phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, năng lực của các cơ sở chế biến lâm nghiệp trên địa bàn huyện còn quy mô nhỏ, hệ thống máy móc chưa được đầu tư, thiết bị lạc hậu, chỉ thực hiện chế biến thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu...
Thời gian tới, huyện Quan Hóa tập trung chỉ đạo, vận động, khuyến khích các hộ trồng rừng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề chế biến lâm sản; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến chuyên sâu các sản phẩm lâm nghiệp xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.