Huyện Quan Sơn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Ai từng một lần trẩy hội Mường Xia, mới phần nào 'thấm' được giá trị của di sản tinh thần này trong đời sống cộng đồng các dân tộc vùng núi cao Quan Sơn. Chuyện xưa kể rằng: Mường Chu Sàn (thuộc địa bàn 2 xã Sơn Thủy và Na Mèo ngày nay) là một vùng sơn thủy hữu tình. Nhờ có đất đai trù phú, con người lại nhân hậu, cùng đoàn kết làm ăn nên đã gây dựng Chu Sàn thành mường giàu có, tươi đẹp. Nhưng rồi, nhiều mâu thuẫn trong nội bộ 3 người con của Tạo Mường đã phá hủy cuộc sống bình yên, trù phú và cái tên Mường Chu Sàn cũng do đó mà biến mất. Về sau, Mường Xia được gây dựng và tồn tại cho đến tận bây giờ.

Lễ hội Mường Xia.

Khi giặc dã tràn đến cướp phá, phò mã Hai Đào với sức mạnh hơn người, đã xin nhà vua cho cầm quân dẹp giặc. Giặc tan, ông đã chọn ở lại đất Mường Xia và gây dựng bản mường trở nên sầm uất hơn xưa. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ người có công gìn giữ biên cương, mang lại cuộc sống no ấm cho bản làng, người dân trong vùng đã lập đền thờ phụng ông. Hàng năm, cứ vào độ xuân viên mãn, Mường Xia lại khai hội. “Linh hồn” của lễ hội Mường Xia là tục rước Lạc mắn (Hòn đá vía). Lạc mắn được xem là vật thiêng giữ vía của cả mường. Vào hội, Lạc mắn được đào lên, tắm rửa sạch sẽ, bọc vải nhiễu đỏ rồi được rước về đền thờ Tư Mã Hai Đào để làm lễ. Vậy nên, cũng như tục thờ rùa, hạc, rắn, hay gà trống của một dân tộc, tục thờ Lạc mắn của người Thái đất Mường Xia được xem là hình thức tín ngưỡng tô tem, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa, tín ngưỡng, tập quán các dân tộc đang sống trên rẻo cao xứ Thanh.

Trải qua thời gian dài, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, lễ hội Mường Xia đã không thể tổ chức. Song, vùng đất Mường Xia với quá trình tồn tại lâu dài, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào đời sống văn hóa - xã hội huyện miền núi Quan Sơn. Do vậy, khôi phục, bảo tồn và phát triển các giá trị vật chất, tinh thần của vùng đất này nói chung, lễ hội Mường Xia nói riêng, là nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, khơi lại truyền thống và lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân. Đồng thời, đưa vùng đất với nhiều danh thắng đẹp này đến gần với du khách thập phương. Xuất phát từ yêu cầu đó, năm 2009 lễ hội Mường Xia đã được tổ chức trở lại. Từ đó đến nay, sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng này đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Quan Sơn.

Quan Sơn hiện có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống là Thái, Mường, Kinh và Mông, trong đó người Thái chiếm trên 80% dân số. Do vậy, bản sắc văn hóa dân tộc Thái cũng có thể được xem là đại diện cho văn hóa vùng đất này. Cùng với lễ hội truyền thống, tín ngưỡng, tiếng nói, ẩm thực, trang phục, tập quán ma chay, cưới hỏi... thì sách chữ Thái cũng giữ vị trí khá quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần dân tộc Thái. Có ba loại sách được nhân bản nhiều nhất là thơ trữ tình, truyện thơ và các bài mo. Những cuốn sách này chứa đựng nhiều kiến thức văn học, lịch sử, địa lý... liên quan chặt chẽ đến đời sống đồng bào. Tuy nhiên, khoảng từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, do nhiều lý do mà sách chữ Thái đã bị tiêu hủy, mất mát nhiều. Cũng bởi những giá trị riêng có của nó mà sách chữ Thái là một di sản cần được địa phương tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị.

...

Văn hóa dân tộc bắt nguồn từ văn hóa dân gian, được hình thành trong cộng đồng làng, xã. Do vậy, bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, trước hết phải đặt nó về đúng vị trí, nơi nó được sinh thành và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, có một thực tế khá đáng lo hiện nay là đời sống cộng đồng các làng, bản cũng đang chịu sự tác động mạnh mẽ từ quá trình CNH, HĐH, từ giao thoa văn hóa và nhất là việc phát sinh các tai, tệ nạn xã hội. Thực trạng ấy đã và đang khiến cho nhiều giá trị văn hóa, đặc biệt là lối sống, phong tục, tập quán, trang phục, nghệ thuật trình diễn, tạo hình, âm thanh, nghề thủ công... của các dân tộc ngày càng rơi rớt, mai một.

Cũng vì lẽ đó mà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, huyện Quan Sơn đã gắn công tác này với các phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Từ đó xác định, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là mục tiêu, mà còn tạo ra động lực thúc đẩy các phong trào kể trên đi vào chiều sâu, chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, huyện Quan Sơn đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhằm định hướng rõ ràng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.

Tuy nhiên, để công tác này đạt được hiệu quả thiết thực, bên cạnh những giải pháp của chính quyền địa phương; thiết nghĩ, quan trọng hơn phải là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư - nơi sản sinh, trao truyền và đang hưởng thụ các giá trị văn hóa ấy. Từ đó, văn hóa mới được “sống” đời sống đích thực của nó là nâng cao đời sống văn hóa – tinh thần của Nhân dân và làm cơ sở cho sự sáng tạo các giá trị văn hóa mới.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huyen-quan-son-chu-trong-bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong/129323.htm