Huyện Quảng Xương nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa – TDTT
Rà soát, thực hiện các phương án quản lý, sử dụng đối với hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao thôn sau sáp nhập, đang được huyện Quảng Xương triển khai tích cực, đồng bộ. Đây là giải pháp trọng tâm để địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa – TDTT trên địa bàn.
Sân vận động hiện đại là thiết chế văn hóa, TDTT tiêu biểu của huyện Quảng Xương, nơi có thể tổ chức các sự kiện văn hóa, TDTT cấp tỉnh.
Tính đến hết năm 2019, 29/29 xã, thị trấn của huyện Quảng Xương đã hoàn thành việc quy hoạch các thiết chế văn hóa – TDTT, gắn với quy hoạch và xây dựng nông thôn mới. 100% các xã, thị trấn đều thực hiện đúng quy định việc sử dụng quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa – TDTT, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng mới các trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã, nhà văn hóa – khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các xã, thị trấn cũng đã rà soát thực trạng để cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa thôn, sân chơi, bãi tập, sân khấu, phòng đọc sách báo; mua sắm trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT... Toàn huyện có 190 sân bóng đá, 207 sân bóng chuyền, 110 sân cầu lông, 54 bàn bóng bàn, 282 phòng đọc sách báo. Tổng kinh phí hỗ trợ để hoàn thiện cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa - TDTT tại các xã, thị trấn là gần 158 tỷ đồng (giai đoạn 2015-2019). Ngoài ngân sách Nhà nước, công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa, TDTT từ các doanh nghiệp, sự đóng góp của người dân được đẩy mạnh và đạt được những hiệu quả tích cực... với kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được tổ chức thường xuyên, với nguồn kinh phí chủ yếu từ công tác xã hội hóa; gồm các hội thi văn nghệ, các giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn; kinh phí tổ chức hàng trăm triệu đồng/năm. Khu trung tâm văn hóa – thể thao huyện với diện tích quy hoạch 13 ha được xây dựng hoàn chỉnh và được đưa vào khai thác, sử dụng rất hiệu quả, với đầy đủ các hạng mục như: Trung tâm hội nghị; thư viện; sân vận động hiện đại, đã được trải thảm cỏ nhân tạo; nhà thi đấu hiện đại có thể tổ chức các sự kiện thể thao lớn cấp tỉnh, toàn quốc; 2 sân quần vợt... Hàng năm, số lượng người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tại các khu thiết chế văn hóa, TDTT cấp thôn, khu phố đều đạt trên 75%. Nhờ đó, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được đẩy mạnh, các phong trào đều thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tích cực. Ngoài hơn 100 câu lạc bộ (CLB) thể thao được thành lập và hoạt động khá sôi nổi, trên địa bàn huyện còn có nhiều loại hình CLB văn hóa – văn nghệ tại các thôn như: CLB thơ, CLB “Gia đình phát triển bền vững”, CLB văn nghệ truyền thống, CLB chèo, CLB tuồng, CLB liên thế hệ... Các thư viện, phòng đọc sách báo tại các khu dân cư đều duy trì ổn định khoảng 250 đầu sách, báo đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin, tìm hiểu, tham khảo của người dân. Các đơn vị tiêu biểu trong việc đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa có thể kể ra như: Thị trấn Tân Phong, các xã Quảng Định, Quảng Chính, Tiên Trang, Quảng Khê, Quảng Nham, Quảng Yên. Qua đánh giá hàng năm, huyện Quảng Xương được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao về hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa – TDTT, là địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào văn hóa, văn nghệ, liên tục nằm trong top 3 toàn đoàn tại các kỳ đại hội TDTT toàn tỉnh.
Trước khi sáp nhập, toàn huyện có 292 thôn, khu phố. Sau khi sáp nhập, con số này giảm xuống còn 188. Số nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập là 104. Huyện Quảng Xương đã tiến hành ra soát toàn bộ 292 nhà văn hóa thôn, khu phố trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn. Từ đó, có phương án mới cho công tác quản lý, với phương châm tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả các công trình thiết chế văn hóa, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đối với các nhà văn hóa, khu thể thao dôi dư, huyện đã chủ trương vẫn giữ nguyên để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, luyện tập TDTT. Căn cứ tình hình thực tế, vị trí địa lý để thuận tiện cho nhân dân đi lại, thôn mới sáp nhập sẽ chọn 1 thiết chế chính. Các thiết chế còn lại trước mắt dùng cho các hoạt động thư viện, trung tâm học tập cộng đồng, nơi vui chơi, giải trí cho người già và trẻ em, nơi sinh hoạt của các CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT. Tuy vậy, sau khi sáp nhập các thôn, khu phố, số hộ dân tăng lên đáng kể khiến các hoạt động sinh hoạt, hội họp, tổ chức các sự kiện lớn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tại 1 điểm thiết chế là không đủ, thậm chí quá tải. Thực trạng này cũng đã xảy ra tại thị trấn Tân Phong – đơn vị hành chính mới được sáp nhập từ 3 đơn vị cũ gồm: Thị trấn, xã Quảng Tân, xã Quảng Phong.
Từ những bất cập nói trên, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các thôn, khu phố căn cứ tình tình thực tế để nghiên cứu, xây dựng các thiết chế văn hóa - TDTT cơ sở phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, đối với các đơn vị hành chính mới sáp nhập, nhiệm vụ trọng tâm là rà soát toàn bộ các thiết chế, văn hóa, TDTT trên địa bàn để có sự đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý các thiết chế văn hóa; phát huy tinh thần tự lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa - TDTT từ thôn, khu phố tới xã, thị trấn; đa dạng hóa và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT thường xuyên cho người dân; nhân rộng mô hình các CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT tại cơ sở, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, gắn các phong trào, cuộc vận động lớn với việc nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa.