Huyện Quảng Xương tăng cường quản lý chất lượng nông sản

Thời gian qua, huyện Quảng Xương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện khuyến khích người dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hình thành tư duy sản xuất hiện đại mà còn góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Mô hình nuôi gà liên kết theo chuỗi giá trị của gia đình ông Trần Văn Lợi, thôn Én Giang, xã Quảng Hợp.

Xã Quảng Hợp là vùng chuyên canh sản xuất lớn của huyện Quảng Xương, với tổng diện tích hơn 250 ha; trong đó, có 20 ha tại thôn Én Giang được quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp tập trung. Trên diện tích được quy hoạch, 7 hộ đã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển trang trại. Đại diện lãnh đạo UBND xã Quảng Hợp cho biết: Được quy hoạch vùng phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, xã đã vận động 7 hộ sản xuất tại thôn Én Giang áp dụng các quy trình VietGAP đối với sản xuất rau, củ, quả và chăn nuôi an toàn sinh học với chăn nuôi gà, lợn. Trong quá trình sản xuất, ngay từ khi xuống giống, các hộ trong thôn được xã tuyên truyền về lợi ích của việc sản xuất thực phẩm an toàn, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản an toàn, bảo đảm sức khỏe nên trong sản xuất đã tuân thủ đúng các quy định được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Đồng thời, được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc,... đến thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm nông sản thuộc khu vực quy hoạch vùng sản xuất an toàn của xã luôn bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), được người tiêu dùng đánh giá cao.

Ở tất cả các sản phẩm nông sản, như: rau, thịt, thủy sản... trên địa bàn huyện Quảng Xương đều được quản lý chặt chẽ về chất lượng. Như trong nuôi trồng thủy, hải sản, huyện Quảng Xương đã xây dựng được 12 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các xã Quảng Nham, Quảng Khê, Quảng Chính, Quảng Trung, Quảng Hợp, Quảng Định và thị trấn Tân Phong. Do xác định rõ vùng nuôi trồng trọng điểm nên công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất được huyện, xã thực hiện chủ động, tích cực. Hạ tầng vùng nuôi, giống và quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng các sản phẩm.

Thông qua việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, công tác kiểm soát chất lượng nông sản trên địa bàn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Bên cạnh 12 chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản, trên địa bàn huyện Quảng Xương còn xây dựng được 18 chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn; 12 chuỗi cung ứng rau, quả và 17 chuỗi cung ứng trứng, thịt gia súc, gia cầm an toàn. Ngoài ra, toàn huyện còn phát triển được 8 cơ sở giết mổ bảo đảm tiêu chuẩn, 23 chợ ATTP...

Để việc quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm đạt hiệu quả, bên cạnh việc các chủ thể sản xuất nêu cao tinh thần tự giác thì cùng với cơ quan có liên quan của tỉnh, huyện đã tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP. Qua đó, từ năm 2020 đến nay, huyện đã thành lập 410 đoàn thanh tra, kiểm tra cấp huyện, xã, tổ chức 410 đợt kiểm tra, thanh tra toàn diện đối với 2.880 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản. Trong đó, có 2.857 cơ sở đạt yêu cầu; 23 cơ sở bị xử lý vi phạm, với số tiền 23,25 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã thực hiện lấy 336 mẫu thực phẩm nông sản, thủy sản và mẫu nước môi trường nuôi thủy sản để giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn các sản phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường. Kết quả kiểm tra, phân tích có 330 mẫu đạt yêu cầu, 6 mẫu vi phạm quy định về ATTP.

Ông Lê Đại Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Việc tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản đã và đang tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về bảo đảm vệ sinh ATTP, nhất là ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều mô hình sản xuất bảo đảm quy trình ATTP và những tiêu chuẩn chất lượng được cơ quan chuyên môn quy định. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt khi có vi phạm đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo đảm vệ sinh ATTP. Qua đó, duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi cung ứng nông sản, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-quang-xuong-tang-cuong-quan-ly-chat-luong-nong-san/134342.htm